Chính quyền xã – chủ thể quan trọng trong quản lý khoáng sản
Khoáng sản là nguồn tài nguyên quý giá và các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua đã đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Để hoạt động khoáng sản vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh thất thu cho ngân sách là đòi hỏi rất lớn với các nhà quản lý. Theo Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trách nhiệm quản lý của từng chủ thể trong hoạt động này tương đối rõ ràng. Riêng tỉnh ta đã ban hành Quy chế phối hợp và trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo các quy định trên, trách nhiệm của UBND xã được khẳng định rất rõ, vì đây là cấp chính quyền ở cơ sở, nắm chắc tình hình tại địa bàn.
Cụ thể như trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh ta, các mỏ khai thác khoáng sản kim loại và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vì vậy cần phải có những cách tuyên truyền phù hợp. Bên cạnh đó, UBND xã cần vận động nhân dân không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác trái phép.
Trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản: Được quy định rất rõ trong Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017, Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 và trên địa bàn tỉnh là Quy chế phối hợp trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản. Theo đó, trách nhiệm ở từng hoạt động quản lý khoáng sản của UBND xã được quy định: UBND xã có trách nhiệm tham gia phối hợp cung cấp số liệu liên quan, kiểm tra thực địa, rà soát khu vực quy hoạch khoáng sản; tham gia phối hợp, rà soát khoanh định ngoài thực địa; phối hợp lấy mẫu khoáng sản tại các dự án đóng trên địa bàn quản lý; tham gia rà soát, lựa chọn các khu vực đủ tiêu chí đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. UBND xã phải tiến hành các hoạt động như, cử người tham gia phối hợp kiểm tra thực địa khu vực hoạt động khoáng sản; tham gia thẩm định đề án đóng cửa mỏ, nghiệm thu kết quả đóng cửa mỏ; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, bàn giao mốc mỏ, mốc phao tiêu khu vực cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Ngoài ra, UBND xã phải được tiếp nhận các thông tin của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân về hoạt động khoáng sản. Trực tiếp tham gia bàn giao trên thực địa về ranh giới hoạt động khoáng sản, thông báo cho thôn, tổ dân phố để phổ biến cho người dân việc có hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Đặc biệt, UBND xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đăng ký máy chuyên dùng phục vụ công trình trên địa bàn. Đồng thời, thống kê và quản lý phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn. UBND xã phối hợp quản lý, xác định sản lượng khai thác của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác; giám sát nguồn gốc khoáng sản khai thác được của các doanh nghiệp…
Trách nhiệm quản lý đất đai và môi trường trong hoạt động khoáng sản: Được quy định trong Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong các quy định của Luật Khoáng sản cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND xã. Cụ thể như quản lý sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn, việc thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng nhất là mục đích sử dụng đất; UBND xã tham gia vào các hoạt động tính toán, đền bù trong thu hồi đất; rà soát việc bàn giao trên thực địa đất cho thuê; chủ động nắm bắt và giải quyết theo thẩm quyền việc quản lý việc đơn vị hoạt động khoáng sản sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác; tham gia vào đánh giá tác động môi trường.
Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác: UBND xã căn cứ các quy định về khoanh vùng khoáng sản cấm khai thác, tạm dừng khai thác của UBND tỉnh, phương án bảo vệ tài nguyên chưa khai thác thể nắm bắt tình hình, vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.
Về cơ chế nắm bắt thông tin để quản lý khoáng sản, UBND xã phải lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo hoặc thành lập lực lượng thường trực giao cán bộ phụ trách cụ thể theo từng vùng đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 để tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý các hoạt động khai thác trái phép. Trong phạm vị quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, huy động lực lượng, thực hiện các biện pháp để giải tỏa, xử lý, ngăn chặn kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc từ tin báo xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo UBND huyện để chỉ đạo công tác này.
Theo các quy định của pháp luật, trách nhiệm của UBND xã rất quan trọng trong việc đảm bảo các hoạt động khoáng sản, bao gồm thăm dò, khai thác được thực hiện một cách bền vững, hiệu quả, gắn với việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và môi trường, đồng thời giúp cho người dân tại địa bàn được tạo công việc có thu nhập. Tuy nhiên, trong thực tế trên địa bàn tỉnh, hiệu quả của hoạt động khoáng sản phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai trách nhiệm trong quản lý khoáng sản hiệu quả ở từng địa bàn.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri phản ánh: Công ty TNHH Hải Phú nổ mìn, sản xuất đá tại khu vực tổ 5, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân; cử tri xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên phản ánh về hoạt động khai thác quặng ở thôn Tân Bình gây ô nhiễm môi trường… Các nội dung cử tri phản ánh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm. Nhưng có thể khẳng định, ở các địa bàn cử tri phản ánh, chính quyền cấp xã vào cuộc chưa thật sự quyết liệt.
Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhất là công tác hướng dẫn theo ngành dọc; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò của UBND cấp xã.
Tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; việc quản lý để hoạt động khoáng sản bền vững là đòi hỏi rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Để hoạt động này không ảnh hưởng đến các ngành khác, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, tạo điều kiện để UBND cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.