Chính sách an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thiết thực và cần triển khai kịp thời

BQH Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, các chính sách về an sinh xã hội cho người dân, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thiết thực, toàn diện và triển khai kịp thời. Đó mới là ý nghĩa của hỗ trợ.

Chính sách đã ban hành nhưng có nơi tổ chức thực hiện còn chậm

Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội; song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Việt Nam đã nỗ lực cố gắng hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, một trong các vấn đề đang được cử tri rất quan tâm, đó là đảm bảo an sinh xã hội và lao động việc làm. Đây cũng là một phần nội dung mà Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận xung quanh vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận: Thời gian qua, Chính phủ và các ban, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng lòng, quyết tâm hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Vị ĐBQH cho biết, đối với vấn đề sản xuất kinh doanh và lao động, việc làm, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Đó là, hầu hết các doanh nghiệp lao đao do chi phí tăng cao; nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về việc khó tiếp cận chính sách tín dụng; số doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường rất lớn, kéo theo người lao động bị mất việc làm…

“Vừa rồi, chúng ta đã cố gắng giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội, nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, độ bao phủ chưa thể hết. Thứ hai là mức hưởng hỗ trợ chưa thực sự bù đắp được những tổn thất mà người dân, người lao động và doanh nghiệp phải hứng chịu do tác động của đại dịch”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai: “Chính sách vừa rồi có câu chuyện, tức là những người trong nhóm có hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội thì chính sách hỗ trợ có thể nói là tương đối bao phủ được. Nhưng nhóm đối tượng lao động khu vực phi chính thức thì giao cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Như vậy, chính quyền địa phương sẽ phải căn cứ vào khả năng ngân sách của tỉnh đáp ứng được bao nhiêu, từ đó sẽ tìm ra nhóm đối tượng ưu tiên nhất để hỗ trợ, chứ không phải tất cả người dân đều được hỗ trợ. Từ thực tế đó, một bộ phận nhân dân chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng chưa từng được nhận hỗ trợ trong các gói hỗ trợ từ ngân sách. Có thể nhóm đối tượng này chỉ được nhận hỗ trợ theo hình thức các chương trình từ thiện… Quả thực, đây cũng là vấn đề rất khó khăn, địa phương vừa phải tăng cường ngân sách để chống dịch, vừa phải đảm bảo các gói hỗ trợ an sinh xã hội”.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, các chính sách về an sinh xã hội phải thiết thực, toàn diện và triển khai kịp thời (ảnh minh họa).

Về vấn đề tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, cũng có lúc, có nơi tổ chức thực hiện còn bất cập, mặc dù chính sách đã ban hành rồi nhưng lại chậm triển khai. Người dân, người lao động đã kê khai đầy đủ nhưng vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Mặc dù số lượng hỗ trợ có thể không lớn, nhưng tinh thần hỗ trợ phải là nhanh, kịp thời, thiết thực. Đó mới là ý nghĩa của hỗ trợ. Khi người dân, người lao động cần hỗ trợ nhất thì phải đáp ứng kịp thời.

Cần đặc biệt quan tâm những người yếu thế, dễ bị tổn

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai lưu ý, lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức và thu nhập để bảo đảm cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh, do đó rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Vị ĐBQH bày tỏ: “Cần xác định rõ những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mức độ ảnh hưởng như như thế nào, ai bị ảnh hưởng nặng nề nhất để có chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực, giúp họ vượt qua khó khăn. Trong số đó, cần đặc biệt quan tâm đến những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, lao động tự do, lao động bị mất việc làm…”.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, về lâu dài, cần xem xét xây dựng sàn an sinh xã hội. Đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân do tác động của dịch bệnh. Từ đó, góp phần tạo ra những giá đỡ bền vững, giúp mọi người dân, người lao động không bị “rơi” khỏi sàn an sinh, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Về góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, nếu muốn “cứu” doanh nghiệp thì phải giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch. Cách hỗ trợ thiết thực nhất là tìm mọi cách để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp họ duy trì được các vị trí việc làm cho người lao động. Cần chú trọng theo dõi tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm, khảo sát đánh giá về nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Cũng chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa tầng, có khả năng hỗ trợ lẫn nhau và ứng phó tốt trước các rủi ro bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh…

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-phai-thiet-thuc-va-can-trien-khai-kip-thoi-post162398.html