Chính sách, chiến thuật của Mỹ qua xung đột ở Ukraine và cuộc chiến thuế quan

Viện trợ quân sự cho Ukraine và cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng, hai 'mặt trận' dường như không dính dáng gì với nhau, nhưng có một điểm chung và những tác động khó lường.

Những điều chỉnh chiến thuật của Tổng thống Donald Trump liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine hay thuế quan đều xuất phát từ mấu chốt, “lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết” nhằm nhanh chóng “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại”.(Nguồn: Getty Images)

Những điều chỉnh chiến thuật của Tổng thống Donald Trump liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine hay thuế quan đều xuất phát từ mấu chốt, “lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết” nhằm nhanh chóng “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại”.(Nguồn: Getty Images)

Nhà Trắng lại “quay xe”

Ngay khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, nới lỏng quan hệ với Nga, nhằm thúc đẩy ngừng bắn theo kịch bản của Mỹ. Nhà Trắng coi viện trợ quân sự là một con bài gây sức ép với cả Moscow và Kiev.

Đầu tháng Bảy, Lầu Năm Góc xác nhận quyết định tạm dừng chuyển giao vũ khí, gồm một số tên lửa phòng không và nhiều loại đạn pháo cho Kiev, vì lo ngại dự trữ vũ khí bị hao hụt và trước hết “Mỹ cần bảo đảm đủ cho chính mình”.

Vài ngày sau (7/7), Tổng thống Donald Trump quay 180 độ, khẳng định sẽ gửi thêm đạn pháo 155mm, đạn pháo phản lực GMLRS, có thể cả tên lửa Patriot, tên lửa không đối đất Hellfire, để tăng khả năng phòng thủ của Ukraine. Cùng với đó là gọng kìm thứ hai, Thượng viện Mỹ thông qua gói trừng phạt mới rất khắc nghiệt với Moscow, đánh thuế đến 500% với các nước mua dầu mỏ, khí đốt và hàng hóa Nga.

Động thái này diễn ra sau khi ông chủ Nhà Trắng tỏ ra “không hài lòng” trong cuộc điện đàm lần thứ 6 với Tổng thống Nga. Có mấy lý do. Một, Nga đang thắng thế trên chiến trường và Ukraine đang nguy ngập. Nếu xu thế này gia tăng thì hết thuốc chữa, Kiev (đằng sau là Mỹ và phương Tây) chẳng còn gì để đàm phán.

Hai, cũng theo đà này, các mỏ khoáng sản quý hiếm sẽ thuộc quyền quản lý của Nga. Thỏa thuận khoáng sản và trao đổi tài nguyên mới đây của Ukraine đổi lấy vũ khí Mỹ rớt giá thảm hại. Ba, gây sức ép buộc Nga giảm nhịp độ tấn công, chấp nhận đàm phán. Hai lý do đầu dẫn đến lý do thứ ba và cũng là cách “câu giờ” để tìm cách gỡ thế bí.

Bốn, Mỹ tin rằng không có viện trợ quân sự, sớm muộn Kiev cũng sẽ thất bại. Tổng thống Donald Trump không muốn lặp lại “cuộc triệt thoái quân đầy ám ảnh khỏi Afganistan năm 2021”. Điều mà ông từng cực lực phê phán người tiền nhiệm Joe Biden.

Rập rình cuộc chiến thuế quan

Hết hạn 3 tháng, chỉ mới một số ít nước hoàn thành đàm phán thuế quan với Mỹ, dù còn ở mức khung. Không hài lòng với tiến trình chậm chạp, ngày 7/7, ông chủ Nhà Trắng gửi thư công bố mức thuế quan đối ứng (từ 25-40%) đến 14 nước, trong đó có đồng minh chủ chốt của Mỹ, là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 9/7, Mỹ tiếp tục công bố danh sách 8 nước với mức thuế quan đối ứng cao nhất đến 50%. Nhưng lùi mốc thời gian có hiệu lực đến ngày 1/8 và rào đón, có thể giảm nếu “biết điều”. Đây là lần điều chỉnh mốc thời gian thuế quan thứ hai của Washington.

Có ý kiến nhận xét, chính sách thuế quan của Nhà Trắng theo kiểu “rập rình”, thiếu một chiến lược bài bản và không khôn khéo “chia để trị”, đánh đồng đối thủ hệ thống với đồng minh!

Không đơn giản như vậy. Cách làm của Mỹ chứa nhiều toan tính!

Thứ nhất, Mỹ nâng thuế quan đối ứng lên mức cao chót vót vào tất cả các nước và liên tục thay đổi lộ trình nhằm tạo ra một sức ép tối đa, đẩy các nước vào thế bị hối thúc nhanh chóng nhượng bộ, nếu không muốn “trâu chậm uống nước đục”.

Thứ hai, bằng cách như vậy, Mỹ có thể ngăn chặn “con đường trung chuyển hàng hóa” của Trung Quốc qua nước thứ ba; vừa thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại, vừa chia tách các nước với Bắc Kinh. Qua đó, kéo các doanh nghiệp đưa sản xuất về Mỹ và cấu trúc lại thị trường, chuỗi sản xuất do Mỹ chi phối.

Các container hàng hóa tại cảng Los Angeles, ngày 25/6. (Nguồn: Getty Images)

Các container hàng hóa tại cảng Los Angeles, ngày 25/6. (Nguồn: Getty Images)

Có điểm chung, mẫu sốchung

Hai cách làm trên hai “mặt trận” khác nhau, về hình thức có điểm giống nhau: Mỹ dường như hay “quay xe”, hay thay đổi. Đó có thể do tính cách thực dụng của ông chủ Nhà Trắng, nhưng cũng có thể là chủ định khiến đối thủ khó phán đoán, hoang mang, dễ bị động, bất ngờ. Nói cách khác là những điều chỉnh chiến thuật nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản, lâu dài.

Mẫu số chung của các hành động, sự điều chỉnh chiến thuật xuất phát từ mấu chốt, “lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết” nhằm nhanh chóng “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại”. Đó là toan tính, ý đồ chiến lược của Mỹ. Thành công đến đâu lại là chuyện khác.

Những hệ lụy

Nhà Trắng chủ động khởi xướng cuộc chiến thuế quan đối ứng với cả thế giới, với mục tiêu to lớn và tin chắc sẽ chiến thắng như "Đạo luật vĩ đại và tuyệt đẹp” mới được thông qua. Nhưng cái gì cũng có hai mặt hay không ai đứng ngoài “vòng xoáy”. Có nhiều điều chứng tỏ cho nhận định đó.

Một, Nga không lạ ý đồ của Mỹ. Moscow tin rằng viện trợ sẽ kéo dài xung đột, nhưng không thể đảo ngược thế cục ở Ukraine. Hậu quả xung đột kéo dài không chỉ đổ vào mình Nga. Nó cộng hưởng với cuộc chiến thuế quan mới của Mỹ, nên càng khó lường.

Hai, các nước thúc đẩy đàm phán nhưng cũng không dễ hy sinh, đánh đổi lợi ích căn bản. Họ sẽ có phản ứng phù hợp như tăng cường chuỗi giá trị khu vực, mở hướng sang các thị trường khác, cấu trúc lại nền kinh tế, đầu tư vào giá trị gia tăng tăng tiêu dùng nội địa. Đồng thời tìm điểm đồng thuận với nhiều nước khác.

Ba, cuộc chiến thuế quan của Mỹ mở ra một giai đoạn căng thẳng mới trong thương mại toàn cầu. Nó đẩy giá hàng hóa toàn cầu lên cao, kéo tụt tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) hơn 1%, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mới phục hồi sau đại dịch. Nó thúc đẩy tình trạng bảo hộ thương mại trên phạm vi rộng, đi ngược xu hướng tự do hóa thương mại. Lực tác động lớn thì phản lực càng lớn. Quy luật không loại trừ ai.

Bốn, thuế đối ứng tăng, người dân Mỹ cũng phải chịu gánh nặng giá hàng hóa tăng, có thể đến 10-15%, kéo theo lạm phát cũng tăng. Cùng với đó là chuyện dùng tiền thuế để hỗ trợ một nơi không mấy liên quan. Người dân phản ứng, xã hội khó yên. Đối thủ của Nhà Trắng có cái để khai thác.

Sáu, sự quá đà của Mỹ khiến nhiều nước, ngay cả đồng minh cũng mất niềm tin, bị đẩy vào thế đối đầu thay vì hợp tác. Chính đồng minh, đối tác thương mại lớn nhất, EU cũng cảnh báo, nếu không đạt được thỏa thuận, họ sẽ có biện pháp đáp trả.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-chien-thuat-cua-my-qua-xung-dot-o-ukraine-va-cuoc-chien-thue-quan-320627.html