Phản ứng từ EU trước kế hoạch áp thuế của Tổng thống Mỹ
EU chuẩn bị sẵn hai gói thuế quan bổ sung có thể đánh vào tổng cộng 93 tỷ euro hàng hóa Mỹ nếu cần thiết sau tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa châu Âu, bắt đầu từ ngày 1/8 của ông Trump.

Cảng hàng hóa tại Duisburg, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại quy mô lớn với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa châu Âu, bắt đầu từ ngày 1/8.
Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố EU vẫn sẵn sàng đàm phán trước thời hạn nói trên, nhưng khẳng định sẽ “kiên định bảo vệ lợi ích của khối” và không ngần ngại đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.
Bà cảnh báo rằng thuế quan mới có thể “làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bờ đại dương.”
Trước tính chất khẩn cấp của tình hình, các cuộc họp cấp cao EU đã được lên lịch. Ngày 13/7, đại sứ các nước EU đã được triệu tập họp. Tiếp theo sẽ là cuộc họp bất thường của các bộ trưởng thương mại tại Brussels vào ngày 14/7.
Các cuộc họp này sẽ quyết định liệu EU có triển khai thuế đáp trả với 21 tỷ euro (24,55 tỷ USD) hàng hóa Mỹ - nhằm phản ứng với mức thuế 50% mà Washington đã áp dụng với thép và nhôm từ tháng 6/2025 - hay tiếp tục hoãn thực hiện các biện pháp này.
Ngoài ra, EU đã chuẩn bị sẵn hai gói thuế quan bổ sung có thể đánh vào tổng cộng 93 tỷ euro hàng hóa Mỹ nếu cần thiết.
Trên khắp châu Âu, các lãnh đạo đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ phản ứng mạnh mẽ từ Brussels. Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche thừa nhận cần một “giải pháp thực dụng,” song cảnh báo mức thuế mới sẽ “giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu và gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trên mạng xã hội X rằng EU phải “thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình,” đồng thời gợi ý sử dụng công cụ “chống ép buộc” - cho phép EU áp đặt hạn chế không chỉ với hàng hóa mà cả dịch vụ nếu bị áp lực thương mại.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể “đẩy lạm phát lên cao, làm gia tăng bất ổn và kìm hãm tăng trưởng.” Trong khi, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gọi động thái của ông Trump là “leo thang đơn phương” và khẳng định người tiêu dùng Mỹ sẽ là bên chịu tổn thất nặng nề nhất.
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu, thúc giục kích hoạt ngay gói biện pháp đáp trả đầu tiên vào ngày 14/7 và triển khai nhanh danh sách thứ hai. Ông tuyên bố: “Thời gian chờ đợi đã hết.”
Mối quan hệ thương mại Mỹ-EU là một trong những kết nối lớn nhất thế giới, với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ và đầu tư hai chiều ước tính lên tới 9.500 tỷ USD. Phòng Thương mại Mỹ tại EU cảnh báo cuộc tranh chấp hiện nay có thể khiến dòng chảy thương mại khổng lồ này bị gián đoạn nghiêm trọng.
Các chuyên gia kinh tế châu Âu đã đồng loạt cảnh báo về hậu quả của làn sóng thuế quan mới. Ông Carsten Brzeski, kinh tế trưởng toàn cầu tại ngân hàng ING, cho rằng tình thế hiện tại là “giai đoạn sống còn” cho thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ông nói: “Diễn biến này sẽ làm thị trường thêm biến động và khó lường.”
Ông Cyrus de la Rubia, kinh tế trưởng của ngân hàng Hamburg, cũng nhận định nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng người tiêu dùng Mỹ có thể là bên phải gánh chi phí cao nhất nếu thuế 30% có hiệu lực.
Ông Dan O'Brien, chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế và châu Âu, gọi hành động của Mỹ là “khiêu khích” và cảnh báo nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu kinh tế toàn diện.
Về phía các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn của châu Âu, nhiều tiếng nói cảnh báo về các thiệt hại tiềm tàng khi thuế quan tăng cao cũng đã xuất hiện . Hiệp hội công nghiệp BDI của Đức gọi đây là “tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng,” có thể làm trật hướng phục hồi kinh tế và cản trở đổi mới. Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Đức (VDA) cho biết, chi phí do căng thẳng thương mại đã lên tới hàng tỷ euro và tiếp tục tăng từng ngày.
Các đại diện ngành công nghiệp thực phẩm và sản xuất của Italy cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ông Emanuele Orsini, Chủ tịch Confindustria, chỉ trích Mỹ “thiếu thiện chí,” trong khi ông Paolo Mascarino, đại diện ngành thực phẩm Italy, cho rằng mức thuế 30% là “vượt ngưỡng chịu đựng.”
Những ngôn từ cứng rắn và sự đồng thuận hiếm thấy trong nội bộ EU hiện tại cho thấy sự kiên nhẫn của khối này đang cạn dần. “EU giờ phải chọn: Nhượng bộ hay chơi rắn,” chuyên gia Brzeski kết luận.
Ông cho rằng diễn biến trong những ngày tới sẽ quyết định liệu hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có đạt được thỏa thuận, hay đẩy cả hai vào một cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu./.