Chính sách chồng chéo, giáo dục nghề nghiệp gặp khó

Do quy định không rõ ràng, chồng chéo, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang gặp khó.

Chính sách chồng chéo, nên nhiều lớp đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện

Chính sách chồng chéo, nên nhiều lớp đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện

Vướng nhiều bên

Đến nay, lực lượng lao động toàn tỉnh khoảng hơn 615 nghìn người; trong đó, lao động qua đào tạo hơn 432 nghìn người. Thời gian qua, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được các lớp đào tạo từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 3.331 người tham gia các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Trong đó, nghề phi nông nghiệp 2.655 người (150 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), nghề nông nghiệp là 676 người (102 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Hiện nay, chính sách hỗ trợ về lĩnh vực việc làm và GDNN trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản các đối tượng, nội dung hỗ trợ là giống nhau. Do đó, việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện gặp khó khăn, dễ trùng lặp, chồng chéo, phân tán.

Dự án 4 về "Phát triển GDNN, việc làm bền vững" có kinh phí thực hiện năm 2022 kéo dài sang 2023 hơn 18,63 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 9,29 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,9%. Kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 "Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn" thuộc Dự án 4 là 16,8 tỷ đồng và đã giải ngân năm 2022, 2023 khoảng 8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 "Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn" của Dự án 4, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa mở được lớp đào tạo vì đối tượng tuyển sinh ngoài lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn có người lao động có thu nhập thấp. Nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐTB&XH về tiêu chí xác định như thế nào là người lao động có thu nhập thấp.

Đề xuất tháo gỡ

Trước những chồng chéo, vướng mắc còn tồn tại, số lượng đối tượng thuộc diện hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn thời gian qua vẫn còn thấp. Kết quả thực hiện có khoảng 1.300 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Có 4 cơ sở GDNN được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động phù hợp với nội dung hỗ trợ của dự án như mua sắm trang thiết bị, xây dựng các lớp tập huấn, đào tạo nghề...

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Luật GDNN thì cơ sở GDNN bao gồm: Trung tâm GDNN; trường trung cấp và trường cao đẳng; tại khoản 1, Điều 44, Luật Giáo dục năm 2019 thì cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Học tập cộng đồng và trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Đối chiếu với các quy định trên thì các Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên không thuộc đối tượng thụ hưởng các nội dung về GDNN thuộc Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (gồm hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị...).

Vì vậy, việc triển khai thực hiện Dự án "Phát triển GDNN" gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực lớn nhưng giới hạn về đối tượng, nội dung thực hiện. Một số dự án, tiểu dự án đã xây dựng mô hình, danh mục nhưng chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Sở LĐTB&XH đã có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH sớm trình Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 90 ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có quy định cách xác định người có lao động thu nhập thấp như xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình để địa phương có thể triển khai thực hiện các nội dung đào tạo nghề thuộc Tiểu dự án 1 - Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn của Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ bổ sung cơ sở GDNN - Giáo dục thường xuyên là đối tượng được hỗ trợ của Chương trình để địa phương có cơ sở, căn cứ thực hiện.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/chinh-sach-chong-cheo-giao-duc-nghe-nghiep-gap-kho-141380.html