Chính sách công nghiệp xanh hướng tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Một số nền tảng phát triển công nghiệp quan trọng được xây dựng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống năng lượng cũng như các nhà máy, doanh nghiệp, nguồn nhân lực,… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên việc thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Công nghiệp hóa theo mô hình “kinh tế nâu” với hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, bắt đầu có những hiện tượng “giải công nghiệp hóa” sớm,… không thể là sự lựa chọn của tương lai cho bảo đảm phát triển bền vững nền kinh tế. Rõ ràng, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, chính sách công nghiệp xanh là phương án lựa chọn tối ưu hướng tới sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Thực trạng thực hiện chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường(1).

Sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đang thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng “phục hồi xanh”. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Phát triển năng lượng tái tạo

Nhận thức được tiềm năng phát triển, tác động, đóng góp tích cực của năng lượng tái tạo, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chính sách tăng cường cải thiện môi trường đầu tư vào lĩnh vực này(2).

Từ năm 2011 đến nay, các chương trình, mục tiêu quốc gia về quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai. Hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo vận hành chiếm gần 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Để thực hiện cam kết Net-Zero tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam xác định phát triển mạnh loại năng lượng này tới năm 2030 và năm 2050. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tháng 5-2023 dự kiến tăng thêm 4.100 MW công suất các nguồn điện mặt trời vào năm 2030, đạt 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1 - 291,5 tỷ kWh vào năm 2050; dự kiến phát triển 21.880 MW điện gió trên bờ, 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 70.000 - 91.500 MW vào năm 2050(3).

Công nhân thi công lắp cánh quạt gió tại nhà máy điện gió Ea Nam ở xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk_Nguồn: trungnamsmc.com.vn

Công nhân thi công lắp cánh quạt gió tại nhà máy điện gió Ea Nam ở xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk_Nguồn: trungnamsmc.com.vn

Chuyển đổi mô hình sản xuất và xu hướng tiêu dùng xanh

Khuyến khích tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững trở thành quan điểm, đường lối xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam, được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đạt những kết quả tốt, thu hút lượng lớn người dân tham gia. Trong đó, tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người dân và nhà đầu tư chuyển dần thói quen mua sắm thông qua các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe. Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Không ít siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nhựa sử dụng một lần…

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và ngoài nước. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính”, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và có thể hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này, ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí, như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải…

Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững…

Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh để bắt kịp nhu cầu thị trường là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.

Phát triển xanh trong lĩnh vực xây dựng và giao thông

Công trình xanh đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống con người thông qua các khâu, như thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính. Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn(4). Công trình xanh cũng như chiến lược xanh hóa ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường…

Tính hết quý II-2023, Việt Nam có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống tiêu chí công trình xanh Lotus (VGBC), hệ thống chứng nhận công trình xanh Edge (IFC-WB), hội đồng công trình xanh Mỹ (LEED), Green Mark (Singapore), với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2 và đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Theo thống kê, giao thông vận tải là một trong những ngành có phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 (sau ngành năng lượng và nông nghiệp) với khoảng 18,4% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hằng năm. Nếu như năm 2020, lượng CO2 phát thải của ngành giao thông vận tải khoảng 47.680 nghìn tấn thì dự báo đến năm 2030 là 89.119 nghìn tấn.

Ngành giao thông vận tải đã và đang rà soát, xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bám sát với những nội dung của chiến lược tăng trưởng xanh, như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển giao thông vận tải đường bộ sang các phương thức giao thông vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn; kiểm soát khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với thiết bị, phương tiện giao thông vận tải. Trong lĩnh vực phát triển giao thông xanh, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Dự án nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí nén thiên nhiên (CNG) đối với phương tiện cơ giới đường bộ, hướng đến mục tiêu xe buýt và xe taxi sử dụng nhiên liệu CNG, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời.

Hà Nội đã đưa vào vận hành và khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô-tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa...

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%. Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm gần đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như chính sách tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa các phương tiện giao thông công cộng, trong đó tập trung vào các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch… góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế:

Mặc dù Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục và ổn định trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,1% trong giai đoạn 2011 - 2023, tuy nhiên, tăng trưởng ở Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng phát thải CO2 tăng cao. Theo dự báo của các chuyên gia, mức phát thải khí CO2 của Việt Nam sẽ lên tới gần 471 triệu tấn vào năm 2030, mỗi năm, Việt Nam có lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 1,83 triệu tấn; mỗi ngày khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, vấn đề ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu với thiệt hại lên tới 11% GDP vào năm 2030.

Cùng với đó, nhận thức về kinh tế xanh ở Việt Nam còn mới, nhiều vấn đề chưa rõ, đòi hỏi phải tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong xã hội, từ chính quyền các cấp đến các doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Từ đó đến nay, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác các bộ, ngành, tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, nhưng việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương nên việc triển khai thực hiện còn mang tính hình thức.

Nguồn lực triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững chưa rõ ràng, nhiều dự án mà bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến phát triển kinh tế xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều rào cản do mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chưa cao. Trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách thì nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ mang tính quyết định, bảo đảm thành công cho việc phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn tới.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương_Ảnh: TTXVN

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương_Ảnh: TTXVN

Một số hàm ý đối với chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam thời gian tới

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và nhân dân về công nghiệp xanh

Chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là vấn đề mới, trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp xanh, như Mỹ, Trung Quốc, các nước Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Để khắc phục thách thức về nhận thức, thì công tác tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và nhân dân là rất quan trọng. Nội dung tuyên truyền phổ biến tập trung làm rõ: 1- Các ngành công nghiệp truyền thống, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng, sản xuất xi măng, sắt thép, sản xuất giấy, công nghiệp hóa chất... là “tác nhân” gây ô nhiễm môi trường và suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, gây nhiều hậu quả cho sức khỏe con người và xã hội. Trước thực trạng đó, phát triển công nghiệp xanh trong nền kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu. 2- Phát triển công nghiệp xanh đem lại nhiều lợi ích, như bảo vệ tài nguyên môi trường, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường sản xuất, kinh doanh, sức khỏe của người lao động...

Hoạch định chính sách phát triển công nghiệp xanh cho Việt Nam

Chính sách phát triển công nghiệp xanh là tập hợp của nhiều chính sách. Vì vậy, để triển khai, thực hiện chính sách phát triển công nghiệp xanh có hiệu quả, cần:

- Hoạch định chính sách phát triển công nghiệp xanh. Đây là một quá trình có tính sáng tạo và linh hoạt cao. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng những trụ cột của nền kinh tế xanh (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ) và tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng do các ngành công nghiệp ô nhiễm trước đó để lại. Khi lập quy hoạch phát triển công nghiệp xanh cần tính đến các yếu tố, tác nhân gây ô nhiễm môi trường, suy giảm, thoái hóa tài nguyên thiên nhiên, đồng thời xây dựng các giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó, vấn đề xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại cần được chú trọng.

- Hình thành khung khổ thể chế hướng tới nền công nghiệp xanh, như khung pháp lý, chính sách khuyến khích, hệ thống tiêu chuẩn định mức, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức liên quan. Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển công nghiệp xanh.

- Chính sách phát triển công nghiệp xanh cần được hoạch định với một cơ chế thực thi tốt nhất, có phạm vi ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh tế, có khả năng tự điều chỉnh, phối hợp giữa các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Phát triển các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam

So với các khu công nghiệp thông thường, những khu công nghiệp xanh có sự khác biệt - được xây dựng theo hướng tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Cụ thể là tăng cường diện tích cây xanh; sử dụng nguyên liệu tái chế; chú trọng sử dụng năng lượng sạch, tái tạo (năng lượng mặt trời, gió...); khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; việc sử dụng công nghệ mới làm tăng khả năng thu gom và xử lý chất thải, nước thải so với trước đây; làm giảm lượng khí thải góp phần bảo vệ môi trường... Trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng các khu công nghiệp xanh sẽ giúp cho việc cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng bền vững, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp. Hiện nay, ở Việt Nam, đã hình thành các khu công nghiệp xanh ở một số địa phương, tuy nhiên, để phát triển khu công nghiệp xanh rộng khắp trên cả nước, cần thực hiện các giải pháp sau:

- Huy động các nguồn lực để xây dựng hiệu quả khu công nghiệp xanh, nhất là nguồn lực tài chính, vốn.

- Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng tối đa các nguồn lực và giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được tiếp cận với các phương thức sản xuất tiên tiến, cải tiến công nghệ để sản xuất sạch hơn.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức; hỗ trợ về kỹ năng, kỹ thuật trong giám sát và đánh giá các tác động của khu công nghiệp tới môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp. Đặc biệt là tuân thủ các tiêu chí của khu công nghiệp xanh.

Phát triển ngành công nghiệp môi trường

Để phát triển công nghiệp môi trường những năm tới cần áp dụng các giải pháp dưới đây:

- Xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường một cách đầy đủ, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Khi các quy định trong các đạo luật về bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, thống nhất hơn; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi luật được thực hiện một cách nghiêm túc... thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường.

- Nhà nước có chính sách đầu tư thích đáng cho việc xây dựng và triển khai các dự án, chương trình ưu tiên của Chính phủ về nghiên cứu, triển khai, nâng cao năng lực quản lý môi trường... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ môi trường cho ngành công nghiệp môi trường.

- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ cho ngành công nghiệp môi trường phát triển, như khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm thông qua các biện pháp ưu đãi, miễn, giảm thuế, khấu hao cho các doanh nghiệp...; hỗ trợ thỏa đáng đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai liên quan đến ngành công nghiệp môi trường thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo liên quan…

- Cần thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành công nghiệp môi trường phát triển, vì mặc dù hiện đã có một số thị trường sản phẩm xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường..., nhưng các thị trường này còn sơ khai, nhất là thị trường sản phẩm hàng hóa công nghiệp môi trường chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại./.

----------------

(1) Như Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 5-12-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về “phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”; Quyết định số 1474/QĐ-TTg, ngày 5-10-2012, của Thủ tướng Chính phủ, “về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020”; Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”; Quyết định số 1670/QĐ-TTg, ngày 31-10-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về “phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020”
(2) Như: Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, “về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
(3) Nguyễn Thị Luyến: Phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số kỳ 2, 12-2022
(4) Như: Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030

TS HOÀNG NGỌC HẢI - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/chinh-sach-cong-nghiep-xanh-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-56794.html