Chính sách Covid-19 ở Trung Quốc tác động đến hãng Uniqlo như thế nào?
Hôm qua (14/4), thương hiệu quần áo Uniqlo Nhật Bản đã thông báo rằng hệ thống cửa hàng ở Trung Quốc báo cáo lợi nhuận thâm hụt đáng kể trong năm tài chính do các quy định phòng chống Covid-19 ở nước này.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Uniqlo là một công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày của Nhật Bản. Ban đầu là một bộ phận của tập đoàn Fast Retailing, Uniqlo trở thành một công ty con từ tháng 11 năm 2005, và có tên trong nhóm hạng nhất của sàn chứng khoán Tokyo.
Những người đeo khẩu trang đi ngang qua một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo của Fast Retailing ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tingshu Wang/Reuters.
Tập đoàn Fast Retailing với thương hiệu “bạc tỉ” Uniqlo là một ví dụ hàng đầu cho thấy các nhà bán lẻ lớn trên toàn thế giới bị ảnh hưởng như thế nào bởi việc ngừng hoạt động kinh doanh, liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc - một trong những khu vực phát triển quan trọng bậc nhất đối với nhiều sản phẩm, nhãn hàng nổi tiếng.
Được biết, Trung Quốc hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn Fast Retailing, với 863 địa điểm bán lẻ ở Trung Quốc đại lục và gần 90 ở “thủ phủ kinh tế” Thượng Hải. Thế nhưng, do sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, hàng loạt biện pháp “khóa cửa” nghiêm ngặt được áp dụng vào cuối tháng 3 vẫn đang có hiệu lực để chống lại đại dịch tồi tệ nhất của đất nước.
Do các hạn chế Covid-19, nhà bán lẻ thời trang này dự đoán sẽ giảm doanh thu và giảm đáng kể lợi nhập trong khu vực Trung Quốc Đại lục trong bán niên cuối năm và cho cả năm tài chính 2022.
Vào tháng 3, doanh số bán hàng tại khu vực Trung Quốc Đại lục, bao gồm Hồng Kông và Đài Loan, bị ảnh hưởng nặng nề do có tới 133 cửa hàng tạm thời đóng cửa.
Tập đoàn Fast Retailing điều hành nhiều cửa hàng Uniqlo ở Trung Quốc hơn ở Nhật Bản. Gã thời trang khổng lồ này đã khánh thành siêu cửa hàng thứ ba ở Trung Quốc đại lục, một cửa hàng hàng đầu ở Bắc Kinh, vào tháng 11 và dự kiến sẽ mở 100 cửa hàng tại nước này mỗi năm trong tương lai.
Với tình hình leo thang hiện nay, Fast Retailing đã buộc phải tìm cách tăng giá do đồng yên giảm và chi phí nguyên vật liệu và chi phí giao hàng ngày càng tăng. Đây là một sự thay đổi “ngoạn mục” đối với một công ty từ lâu đã cạnh tranh với thị trường chung về chi phí thấp của những nhu yếu phẩm cơ bản như tất và đồ lót.
Hôm thứ Năm (14/4), công ty này đã công bố mức lợi nhuận nửa năm kỷ lục, được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và các khu vực khác của Châu Á, thế nhưng doanh thu và lợi nhuận ở Trung Quốc lại giảm.
Lợi nhuận hoạt động tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 189 tỷ Yên (1,51 tỷ USD) trong sáu tháng tính đến tháng Hai.
Kỳ vọng lợi nhuận cả năm của công ty không thay đổi ở mức 270 tỷ yên. Theo một cuộc thăm dò của Refinitiv với 11 chuyên gia, dự đoán đồng thuận cho lợi nhuận hàng năm là 278 tỷ yên.
Lê Na (Theo CNA)