Chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump tác động thế nào đến Việt Nam?
Các chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, phù hợp với lợi ích chung và bối cảnh quốc tế.
Ông Trump tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47 hôm 20/1. Trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai, chắc chắn ông Trump sẽ thực thi những điều chưa làm được hoặc làm "chưa đến nơi, đến chốn" trong nhiệm kỳ đầu.
Sau khi trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp cả về đối nội và đối ngoại, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới.
Về thuế quan, nhà lãnh đạo mới của Mỹ đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico và áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông chỉ đạo các cơ quan liên bang khởi động điều tra các hoạt động thương mại như thâm hụt thương mại, các hoạt động tiền tệ bất bình đẳng, hàng giả và quy định đặc biệt cho phép các mặt hàng có giá trị thấp xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không bị đánh thuế.
Quan hệ Mỹ - Việt Nam tiếp tục phát triển
Nhận định về quan hệ Mỹ - Việt Nam dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ 2, TS Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ có những tác động nhất định đến quan hệ Mỹ - Việt, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào chính sách cụ thể của chính quyền mới.
"Ông Donald Trump tái đắc cử, chính sách "Nước Mỹ trên hết" có thể dẫn đến việc Mỹ tập trung vào lợi ích quốc gia, điều này có thể ảnh hưởng đến các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ.
Do đó, nếu ông Trump tiếp tục nhiệm kỳ, quan hệ kinh tế giữa hai nước có thể tiếp tục phát triển, nhưng cần lưu ý đến khả năng thay đổi trong chính sách thương mại và đầu tư", TS Nghiêm Tuấn Hùng cho hay.
Theo TS Nghiêm Tuấn Hùng, quan hệ Mỹ - Việt đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023. Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ trong thời gian tới để tiếp tục phát triển quan hệ song phương vì lợi ích của Nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định khu vực.
Từ đó, TS Nghiêm Tuấn Hùng cho rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ có những ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Việt về mặt chính sách, nhưng với nền tảng vững chắc hiện có, hai nước có khả năng tiếp tục phát triển quan hệ theo hướng tích cực, phù hợp với lợi ích chung và bối cảnh quốc tế.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng cho rằng ở nhiệm kỳ mới của ông Trump, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi trong quan hệ với Mỹ.
"Trước đó, hai nước đã thống nhất xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Bây giờ, Việt Nam cần phải tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chiến lược toàn diện này đạt hiệu quả. Đây là điều chúng ta cần phải chú ý và cân sức để thực hiện", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng với Mỹ.
"Ông Trump rất có cảm tình đối với Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, nhà lãnh đạo Mỹ từng có hai lần đến Việt Nam và ông cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục đến thăm Việt Nam. Đây chính là thuận lợi để chúng ta tiếp tục tăng cường, mở rộng hơn nữa với Mỹ.
Mặt khác, ông Trump đưa ra chính sách tăng cường quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực. Trong đó, có động chạm đến an ninh chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng và có động tác tương ứng đối với các đối tác. Hiện nay, Việt Nam đang cân bằng thúc đẩy quan hệ với những nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.
Chính sách đối ngoại của ông Trump
Đánh giá về chính sách đối ngoại của ông Trump ở nhiệm kỳ 2.0, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng vị tổng thống này vẫn tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại cứng rắn trên những vấn đề cơ bản như các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới, vấn đề giữa quốc gia đồng minh NATO và nước láng giềng, đặc biệt là những nước đối thủ của Mỹ. Thậm chí, những chính sách do ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ mới sẽ có chuyển biến mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ trước.
Ngoài những gì đã thấy rõ trong bài diễn văn nhậm chức, ông Donald Trump còn thu gọn bộ máy của chính phủ.
"Như chúng ta biết, Chính phủ Mỹ có đến 400 cơ quan, bộ nhưng ông Trump điều chỉnh xuống còn 1/4. Trên thế giới chưa có ai thực hiện hành động mạnh mẽ như vậy, kể cả đối nội lẫn đối ngoại. Trong thời gian tới, thế giới cũng như người Mỹ sẽ đón nhận nhiều thông tin và thay đổi.
Điều người Mỹ quan tâm nhất chính là lời nói của ông Trump luôn đi đôi với việc làm và ông ấy sẽ mở ra thời kỳ huy hoàng cho nước Mỹ. Chấm dứt tình trạng nước Mỹ suy thoái. Để làm được điều này, ông Trump đã chuẩn bị bộ máy riêng và trong lễ nhậm chức tại tòa nhà Quốc hội những người này cũng có mặt".
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng những động thái mạnh tay của ông Trump về chính sách trong ngày đầu nhậm chức buộc đồng minh của Mỹ nói riêng và các nước trên thế giới nói chung phải có những điều chỉnh mới để phù hợp với nước Mỹ.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cũng nhận xét nhìn tổng thể trong nhiệm kỳ 2.0 của ông Trump, nhà lãnh đạo Mỹ duy trì đường lối chính sách cứng rắn và xem Trung Quốc là đối thủ. Nhưng trong cách làm, chắc chắn ông Trump sẽ rút ra những điểm chưa thành công ở nhiệm kỳ trước để điều chỉnh phù hợp.
"Trước khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump tuyên bố áp thuế 60% đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông ấy vẫn chưa có động thái mạnh mẽ, nhưng không có nghĩa ông ấy không làm. Ông Trump có thể đang chọn thời điểm phù hợp để thực hiện hoặc điều chỉnh mức thuế phù hợp hơn.
Đây cũng là tín hiệu để xem Trung Quốc và châu Âu có phản ứng như thế nào trước những chính sách ông tuyên bố thực hiện. Chính vì vậy, thế giới phải chờ đợi mới biết được ông Trump sẽ làm gì tiếp theo. Những đối tác như chúng ta cũng cần phải xem xét để có điều chỉnh phù hợp nhằm ứng phó với nguy cơ mới và tranh thủ cơ hội vươn lên", GS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể phải đối mặt với tương lai "bất ổn" hơn về lâu dài khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, vì các chính sách của ông có khả năng sẽ kéo dài sau nhiệm kỳ tổng thống và đẩy nhanh quá trình rút lui của Mỹ khỏi các liên minh và cam kết trong khu vực.
Bates Gill, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc gia châu Á, cho biết: "Các đồng minh trong khu vực này cần phải chuẩn bị cho khả năng Mỹ đang đi theo hướng ít gắn kết hơn trong khu vực, ít cam kết hơn trong mối quan hệ liên minh và mong muốn đồng minh, đối tác hành động, đóng góp nhiều hơn".
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Điều này dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại hướng tới châu Á, đáng chú ý nhất là việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại lớn được 12 quốc gia ký kết.