Tổng thống Donald Trump điều chỉnh chính sách thương mại, năng lượng, khí hậu

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp quan trọng liên quan đến thương mại, năng lượng, khí hậu. Động thái này có thể kìm hãm triển vọng của lĩnh vực năng lượng sạch nhưng sẽ thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp sau khi ký tại tại Washington hôm 20-1. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp sau khi ký tại tại Washington hôm 20-1. Ảnh: Getty Images

Đánh giá các thực hành thương mại bất công

Trong số hơn 40 sắc lệnh được ông Trump ký có một sắc lệnh tập trung vào thương mại quốc tế, yêu cầu các cơ quan liên bang nghiên cứu và đánh giá các thực hành thương mại bất công và chính sách tiền tệ với các nước khác đặc biệt là Trung Quốc, Mexico, Canada.

Trong sắc lệnh, ông yêu cầu đánh giá kết quả thực thi của Trung Quốc đối với các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà ông ký với Bắc Kinh vào năm 2020 để chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài gần 2 năm.

Thỏa thuận này yêu cầu Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ thêm 200 tỉ đô la trong hai năm nhưng Bắc Kinh không đạt được mục tiêu khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Sắc lệnh không áp đặt bất cứ thuế quan mới nào. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ nói rằng, đang xem xét áp mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada kể từ đầu tháng 2. Ông cũng cho biết, chưa sẵn sàng áp bất cứ mức thuế phổ quát nào đối với tất cả các đối tác thương mại trên toàn cầu.

Trong chiến dịch tranh cử, ông đề đã xuầt áp mức thuế 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ tất cả các nước và mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông cũng ký sắc lệnh thành lập Sở Thuế ngoại vụ để thu thuế nhập nhập khẩu từ các nước bị Mỹ đánh thuế.

Các thị trường tài chính ban đầu tăng giá khá mạnh khi bài phát biểu nhậm chức của ông Trump không có những lời đe dọa thuế quan ngay lập tức. Tuy nhiên, tâm lý tích cực chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi ông công bố kế hoạch áp thuế 25% đối vớ hóa từ Canada và Mexico.

Nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra rằng, dù hành động ngay lập tức có thể bị trì hoãn nhưng chương trình nghị sự về thuế quan của ông Trump vẫn được giữ nguyên.

Thông báo kế hoạch áp thuế quan đổi với hai đối tác thương mại láng giềng của Mỹ khiến giá của nhiều tài tài sản biến động mạnh, đặc biệt tác động đến đồng đô la Canada và peso Mexico cùng với các chỉ số chứng khoán toàn cầu.

Trên thị trường tiền số, giá bitcoin và các loại tiền điện tử khác lao dốc khi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư hạ nhiệt sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng không đề cập gì đến bitcoin trong bài phát biểu nhậm chức. Giá bitcoin có lúc giảm 5% xuống còn 102.589 đô la trong phiên giao dịch 21-1, theo giờ châu Á.

Theo thông tin mới nhất, Tổng thống Donald Trump vừa lặp lại cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với các nước thuộc khối các nền kinh tế mới nổi BRICS bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc nếu họ thực hiện bất kỳ bước đi nào để thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu.

Thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch

Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia dù thực tế là Mỹ hiện sản xuất nhiều dầu và khí đốt tự nhiên hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ông nhấn mạnh sắc lệnh có thể giúp đẩy nhanh quá trình phát triển đường ống, nhà máy lọc dầu, mỏ dầu và các cơ sở sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác.

Ông ra lệnh loại bỏ các văn phòng và chương trình của chính phủ nhằm bảo vệ cộng đồng nghèo khỏi ô nhiễm.

Tổng thống Donald Trump còn hủy bỏ một loạt chính sách thúc đẩy xe điện của người tiền nhiệm Joe Biden, bao gồm quy định yêu cầu 50% số xe mới bán ở Mỹ vào năm 2030 là xe điện. Ông cho biết thêm sẽ ngừng phê duyệt các dự án trang trại điện gió mới ở vùng biển liên bang. Động thái này khiến tương lai của khoản trợ cấp tín dụng thuế 7.500 đô la Mỹ dành cho người mua xe điện mới và cụ trong Đạo luật Giảm lạm phát trở nên không chắc chắn. Một chỉ thị của ông Biden về cấm doanh nghiệp Mỹ khoan thăm dò dầu khí ở Bắc Cực cũng bị hủy bỏ.

Ông Trump còn ký sắc lệnh cam kết bổ sung dầu dự trữ chiến lược quốc gia và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Mỹ ra khắp thế giới. “Chúng ta sẽ là trở thành quốc gia thịnh vượng một lần nữa và vàng lỏng dưới chân chúng ta sẽ giúp đạt được điều đó”, vị tổng thống Mỹ nói khi ký sắc lệnh.

Giá dầu trên thị trường quốc tế giảm khi nhà đầu tư lo ngại chính sách mới của ông Trump sẽ thúc đẩy sản xuất dầu khí, càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung. Vào lúc 5 giờ chiều 21-1, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent ở London giảm hơn 1% , xuống 79,8 đô la /thùng. Dầu Tây Texas ở New York cũng giảm 1,7%, xuống 75,6 đô la/thùng.

Dừng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Một lệnh đáng chú khác mà Tổng thống Trump ký trong ngày làm việc đầu tiên là rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, một hiệp định quốc tế về khí hậu với gần 200 nước cam kết hợp tác để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông gọi thỏa thuận là “phiến diện” khi Mỹ nỗ lức giảm lượng khí thải nhà kính giữa lúc Trung Quốc hiện là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 2017, ông đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris và đến cuối năm 2000, thủ tục rút mới hoàn tất. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống, ông Joe Biden đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận.

Sau khi ông Trump gửi thông báo rút đến Liên hợp quốc, theo quỵ định, mất khoảng 1 năm để quyết định rút có hiệu lực. Lúc đó, Mỹ sẽ cùng với Iran, Libya và Yemen là những nước đứng ngoài Thỏa thuận Paris.

Ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là “trò bịp bợm” và các nỗ lực xanh hóa nền kinh tế đe dọa hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Các chuyên gia cảnh báo, động thái trên sẽ làm tổn hại sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có thể khuyến khích những nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc và Ấn Độ làm suy yếu các cam kết của chính những nước này.

Báo cáo phân tích của Rhodium Group và Carbon Brief dự đoán, các chính sách của ông Trump sẽ làm chậm đáng kể tốc độ giảm phát thải khí nhà kính.

Nhìn chung, các sắc lệnh trên báo hiệu chính quyền mới từ bỏ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhấn quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng xem dầu khí là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, và nguồn nhiên liệu hóa thạch dồi dào sẽ đảm bảo rằng Mỹ có thể thống trị cả đồng minh lẫn đối thủ.

Theo NY Times, Reutes, CNN

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tong-thong-donald-trump-dieu-chinh-chinh-sach-thuong-mai-nang-luong-khi-hau/