Chính sách của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng ra sao tới nền kinh tế Mỹ?

Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ khi nền kinh tế Mỹ đang khỏe mạnh. Liệu các chính sách mạnh mẽ của ông sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực?

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh sau lễ nhậm chức tại Washington, DC ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh sau lễ nhậm chức tại Washington, DC ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Khi Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2009, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, thị trường lao dốc và nhiều gia đình mất nhà. Ông bắt đầu nhiệm kỳ với một thảm họa kinh tế ở Mỹ.

Trái lại, Tổng thống Donald Trump thừa hưởng nền tảng kinh tế mạnh hơn nhiều, ngay cả khi ông quay lại Nhà Trắng với cam kết tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế Mỹ thông qua một loạt sắc lệnh hành pháp và các đạo luật quan trọng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2024 chỉ ở mức 4,1%. Các tổng thống trước đó nhậm chức khi tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn chỉ có ông George W. Bush vào tháng 1/2001 và ông Richard Nixon vào tháng 1/1969.

Mặc dù chi phí sinh hoạt vẫn là một nỗi bức xúc lớn và nguy cơ lạm phát bùng phát lại còn tồn tại, nhưng nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn đang ở trạng thái tốt khi ông Trump nắm quyền. Thị trường việc làm đang trải qua giai đoạn tăng trưởng liên tục lịch sử, mức tăng lương vượt qua mức tăng giá cả và tăng trưởng tổng thể tiếp tục vượt ngoài kỳ vọng.

Ông David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, nhận định: “Tổng thống đang thừa hưởng một nền kinh tế rất khỏe mạnh”.

Những câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ

Cảng Long Beach ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng Long Beach ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điều có thể làm giảm tốc nền kinh tế Mỹ là những điều bất ổn lớn đang được đưa vào nền kinh tế hiện nay.

Thay đổi quyền lực tại Mỹ tự nhiên sẽ tạo ra một số bất ổn, khi đảng mới mang đến những ý tưởng và triết lý riêng.

Không chỉ thế, ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với một loạt động thái mạnh mẽ, ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên, từ năng lượng, nhập cư đến cách chính phủ liên bang hoạt động.

Ông Trump cam kết rằng đây chỉ là khởi đầu, cam kết áp đặt mức thuế quan cao, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính rườm rà, cung cấp các ưu đãi thuế mới cho doanh nghiệp và cá nhân.

Ông Kelly nhận định: “Những điều bấp bênh là một gánh nặng cho nền kinh tế. Trong bóng đá, người ta có thể muốn đối thủ của mình bị bất ngờ. Nhưng nếu đang quản lý một nền kinh tế, cần làm rõ kế hoạch của mình. Nếu không, mọi người có thể trì hoãn quyết định và điều đó thường làm chậm nền kinh tế”.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều câu hỏi về chính sách thương mại của ông Trump.

Ông Trump tuyên bố áp đặt các mức thuế cao đối với cả đồng minh lẫn đối thủ, nhưng thời điểm và tác động cụ thể của các mức thuế này vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ, ông nói vào ngày 20/1 rằng sẽ áp dụng mức thuế 25% với hàng hóa Canada và Mexico từ ngày 1/2, nhưng lại không ký sắc lệnh hành pháp để thực hiện điều này.

Với các quốc gia khác, ông Trump cho biết chính quyền Mỹ có thể áp dụng mức thuế toàn diện nhưng chưa sẵn sàng thực hiện ngay. Thuế sẽ cao đến mức nào và duy trì trong bao lâu? Các quốc gia khác sẽ phản ứng ra sao? Một số nước, như Canada, đã tuyên bố sẽ trả đũa bằng các mức thuế và biện pháp khác.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump cam kết ngay lập tức bắt đầu cải tổ hệ thống thương mại để bảo vệ người lao động và gia đình Mỹ. Ông còn nhắc lại kế hoạch thành lập một Sở Thuế vụ Nước ngoài để thu thuế của các nước. Mặc dù ông Trump nói rằng các quốc gia khác sẽ phải chịu thuế, nhưng thực tế là các nhà nhập khẩu Mỹ trả thuế, chứ không phải các nhà xuất khẩu nước ngoài. Do đó, các nhà nhập khẩu Mỹ thường chuyển chi phí này cho người tiêu dùng khi bán hàng với giá cao hơn.

Thách thức về chi phí sinh hoạt

Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Ông Trump nhận thức rằng vấn đề lớn nhất đối với nhiều người Mỹ là mức giá cả. Người dân đang chi tiêu nhiều hơn để mua thực phẩm, thuê nhà, bảo hiểm xe và các khoản khác so với trước đại dịch COVID-19.

Theo Moody’s Analytics, một hộ gia đình điển hình ở Mỹ hiện chi tiêu khoảng 1.213 USD nhiều hơn so với tháng 1/2021 cho cùng một hàng hóa và dịch vụ.

Lương trung bình tăng nhiều hơn một chút so với mức này. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là nhiều người chỉ vừa đủ sống với chi phí sinh hoạt tăng cao và nhiều người khác vẫn bị tụt lại phía sau.

Ông Trump tuyên bố sẽ khiến giá cả giảm xuống, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng điều này sẽ không diễn ra trên diện rộng, trừ khi nền kinh tế suy thoái. Mặc dù người tiêu dùng thích giá giảm, nhưng giảm phát thực sự có thể nguy hiểm và khó thoát ra.

Ông Kelly nhận xét: “Không thể đưa giá cả trở lại mức trước đại dịch. Cách duy nhất để giá cả giảm như vậy không phải là suy thoái, mà là khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng”.

Ông Trump gần đây cũng thừa nhận điều này, lưu ý rằng một khi giá cả đã tăng, rất khó để kéo xuống, nhưng ông khẳng định mình có thể làm được.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng các yếu tố trong chương trình nghị sự của ông Trump có thể gây lạm phát.

Các doanh nghiệp có thể chuyển chi phí thuế sang cho người tiêu dùng như trước đây. Động thái trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp có thể làm thiếu lao động ở các ngành xây dựng, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Nền kinh tế Mỹ hiện nay có nguy cơ quá nóng và chương trình nghị sự của ông Trump có thể làm nền kinh tế thêm quá tải. Lạm phát đã giảm mạnh nhưng vẫn trên mục tiêu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang. Thị trường đã phá vỡ kỷ lục hết lần này đến lần khác, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu các tập đoàn công nghệ lớn và trí tuệ nhân tạo.

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, nhận định: “Điểm mấu chốt là nền kinh tế Mỹ bước vào năm 2025 với một nền tảng vững chắc. Chúng tôi tiếp tục lo ngại hơn về các rủi ro tăng trưởng và lạm phát”.

Cuối cùng, thành công kinh tế của ông Trump có thể không phụ thuộc vào việc giảm giá cả. Thay vào đó, ông cần hy vọng chuỗi tăng trưởng thực sự bắt đầu từ thời Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục: tăng trưởng lương thực tế.

Thu nhập đã liên tục vượt qua mức tăng giá. Nếu xu hướng này tiếp tục dưới thời ông Trump, nhiều người Mỹ sẽ theo kịp mức giá cao hơn và cảm thấy dễ chịu hơn với chi phí sinh hoạt.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chinh-sach-cua-tong-thong-trump-se-anh-huong-ra-sao-toi-nen-kinh-te-my-20250121200251373.htm