Chính sách đã có đủ, nhưng nhà làm phim vẫn 'ngại' phim lịch sử
Dòng phim lịch sử vốn rất hấp dẫn và mang nhiều giá trị giáo dục, văn hóa, nhưng hiện nay phần lớn các nhà làm phim Việt Nam vẫn khá e dè khi nói đến việc thực hiện một bộ phim về đề tài này. Có quá nhiều áp lực và khó khăn đối với việc làm phim lịch sử, mặc dù chính sách khuyến khích dòng phim này đã có, như lời PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.
Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII (HANIFF VII). Hội thảo thu hút rất đông các nhà làm phim trong và ngoài nước đến lắng nghe, chia sẻ và nêu ý kiến của mình chung quanh phim đề tài lịch sử.
Hội thảo có sự dẫn dắt của bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio, một trong những đơn vị làm phim từng tham gia sản xuất và phát hành một số đầu phim lịch sử của điện ảnh Việt.
Hội thảo cũng là dịp để cơ quan quản lý lắng nghe, tiếp thu và có những thay đổi hoặc bổ sung chính sách cho phù hợp, góp phần khích lệ các nhà làm phim cho ra nhiều hơn những tác phẩm về lịch sử nước nhà.
Chính Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng phải trăn trở: “Điện ảnh Việt Nam hiện nay còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử, đó cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này”.
Chính vì thế, Thứ trưởng mong muốn, qua hội thảo, sẽ có thêm những kinh nghiệm hữu ích cho người làm phim trong nước và quốc tế, từ đó giúp ngành điện ảnh có những nhận thức mới, học tập kinh nghiệm của điện ảnh các nước trong làm phim về đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn.
Một trong số những “rào cản” lớn nhất khiến các nhà làm phim ngại ngần khi bắt tay vào thực hiện các bộ phim có đề tài lịch sử là sự đánh giá, so sánh quá mức của nhiều khán giả giữa sự sáng tạo trong nghệ thuật và tài liệu, tư liệu lịch sử.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là người có nhiều truyện ngắn từng được chuyển thể thành phim nhận xét, lâu nay các nhà làm phim Việt Nam thường có tâm lý tôn trọng quá dẫn đến e ngại đối với tính chân thực trong các vấn đề lịch sử, dẫn đến kìm hãm sự sáng tạo. Thay vì bứt phá để tạo ra những góc nhìn mới mẻ và có chiều sâu, họ lại lo ngại về việc phản ánh chưa đúng lịch sử hoặc không đúng tinh thần nguyên tác. Điều này vô tình tạo ra một "nỗi sợ hãi mơ hồ" mà các nhà làm phim tự áp đặt lên mình khiến nhiều tác phẩm khi ra đời trở nên nhạt nhòa và thiếu cá tính.
Chung ý kiến này, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, đôi khi khán giả xem phim lịch sử nhưng với tâm lý “phim tài liệu”, thường tỏ ra khắt khe và soi xét quá mức đối với những bộ phim có đề tài lịch sử, từ những chi tiết nhỏ như trang phục, lời thoại… Những điều này đã khiến các nhà làm phim ngại ngần trong sáng tạo. Bởi vì phim là nghệ thuật, phải có không gian cho sự sáng tạo. Nếu như phim lịch sử chỉ hoàn toàn tuân theo tư liệu, tài liệu mà không có sự sáng tạo, sẽ thiếu đi sự hấp dẫn.
Nói về sự sáng tạo trong phim lịch sử, ông Tiền Trọng Viễn, Giám đốc As One Production (nhà sản xuất rất nhiều bộ phim lịch sử thành công của Trung Quốc) cho biết, phim lịch sử ở Trung Quốc rất được khán giả yêu thích và cũng là dòng phim hết sức quen thuộc đối với khán giả. Chính vì thế, đây cũng là thách thức đối với các nhà làm phim, phải làm sao sáng tạo hơn nữa để có thể thu hút được khán giả.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cho rằng, chính sử chỉ ghi lại những sự kiện, nhân vật, ngày tháng đã xảy ra, còn về phía bản thân những nhân vật lịch sử, không ai có thể biết được tình cảm, cảm xúc, những câu chuyện đời thường… của nhân vật đó diễn ra như thế nào. Đó chính là không gian dành cho nhà làm phim sáng tạo.
“Trong điện ảnh có một sự thật về cảm xúc, tâm lý, diễn biến nội tâm… Đó là hành trình và vai trò của nhà làm phim để cài cắm ý nghĩa, kết nối cảm xúc của nhà làm phim đối với khán giả và cũng là cách để biến nhân vật lịch sử có cảm xúc giống con người đời thường” – đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Chia sẻ từ góc độ người làm chính sách, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện tại, đã có chính sách hỗ trợ các nhà làm phim chuyển thể văn học lịch sử vào tác phẩm điện ảnh.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Đây là những ranh giới cần thiết để đảm bảo các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng khẳng định, nghệ thuật vẫn có chỗ cho sự sáng tạo trong các "khoảng trống" để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn.
“Kết hợp giữa tính xác thực và sáng tạo, điện ảnh lịch sử sẽ có thể chạm đến trái tim khán giả, tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị giáo dục vừa mang tính nghệ thuật cao và mục tiêu của đặt hàng điện ảnh là để hướng đến mục đích này” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, đã có chính sách, hành lang pháp lý cho việc sản xuất phim lịch sử, tuy nhiên cũng cần thời gian để chính sách đi vào phù hợp với cuộc sống. “Nhưng tôi tin rằng, chúng ta đang đi trên con đường đúng đắn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.