Chính sách đặc thù sẽ tạo động lực mới cho Hải Phòng phát triển bền vững
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 31.10, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ĐBQH Lê Tiến Châu cho rằng, sự phát triển của Hải Phòng trước hết là cho chính thành phố, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Do vậy, 'nếu được đại biểu Quốc hội ủng hộ, chúng tôi có hệ thống cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo nguồn năng lượng mới, động lực mới để thành phố phát triển một cách bền vững'.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Hải Phòng cần phải bứt phá hơn
Góp ý cụ thể vào dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) nhìn nhận, gần đây, Hải Phòng đang nổi lên trong thu hút các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư của Việt Nam.
“Đây là điều rất đáng quý, bởi đất nước muốn phát triển mạnh, phát triển vững chắc thì phải dựa vào doanh nghiệp Việt Nam. Và Hải Phòng đang làm việc đó”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, sở dĩ Hải Phòng làm được điều này là bởi thành phố đã được làm những cơ chế mới, những thử thách mới, và chính điều đó đã đưa lại kết quả trong thực tiễn, và “chứng tỏ những gì đã làm được là đúng”. Do vậy, đại biểu “hoàn toàn ủng hộ” những gì mà Hải Phòng đã và đang làm.
Cũng theo đại biểu, thời gian qua và kể cả hiện tại, TP. Hồ Chí Minh luôn thí điểm các cơ chế, chính sách mới, thì vừa rồi, Hải Phòng đang nổi lên tương tự. Bởi lẽ đó, “không có lý do gì không tiếp tục ủng hộ chính sách này”.
Trên đà những kết quả đã đạt được, đại biểu đề nghị Hải Phòng cần phải bứt phá hơn nữa. Muốn vậy, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục giao cho Hải Phòng những chính sách mới, và việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng chính là chính sách mới để tạo sức bật đột phá cho thành phố.
Dự thảo đã thể hiện đầy đủ chính sách về tổ chức chính quyền đô thị
Bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng, nhìn chung, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo hai hướng.
Một là, quy định rõ mô hình tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng, quận, thành phố thuộc thành phố và phường khi tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận và HĐND phường).
Hai là, đề xuất các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong mô hình chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, để Nghị quyết được rõ ràng và mang tính khả thi cao hơn, đại biểu đề nghị, tại khoản 4, Điều 1 dự thảo quy định “việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, cần làm rõ “các đơn vị hành chính khác” là đơn vị hành chính nào cho dễ thực hiện.
Liên quan đến tổ chức chính quyền thì không còn HĐND quận và HĐND phường, như vậy quyền hạn, phạm vi hoạt động của HĐND thành phố Hải Phòng sẽ rộng hơn. Do vậy cần quy định phạm vi chức năng, quyền hạn của cấp thành phố cho rõ hơn để phát huy hiệu quả.
Mặt khác, khi không còn HĐND quận và phường, thì đối với UBND thành phố, việc phân cấp, phân quyền sẽ nhiều hơn, do vậy cần bổ sung quy định cụ thể theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Cũng theo đại biểu, ngoài các nội dung quy định như dự thảo Nghị quyết, cần nghiên cứu điều chỉnh nội dung “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách” (điểm a, khoản 3, Điều 4) thành “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp ngân sách” nhằm phân cấp mạnh về ngân sách, tạo điều kiện để UBND quận chủ động về ngân sách, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách hiệu quả hơn.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bổ sung, khi không tổ chức HĐND cấp phường và cấp quận, thì việc tăng biên chế cho HĐND cấp thành phố là cần thiết, song mới tăng biên chế đối với thường trực, còn bộ phận giúp việc thì chưa có nghiên cứu. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tăng thêm số lượng bộ phận giúp việc cũng như số lượng đại biểu HĐND để bảo đảm vai trò, chức năng, nhiệm vụ bao quát.
Cũng theo đại biểu, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật liên quan đến phân cấp, phân quyền cho cả HĐND, UBND và Chủ tịch UBND. Ban soạn thảo cần bổ sung trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật và chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND.
Đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 35/2021/QH15 với 61 chính sách đặc thù
Chia sẻ với các ý kiến thảo luận tại Tổ 4, ĐBQH Lê Tiến Châu (Hải Phòng) - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Mô hình chính quyền đô thị của TP. Hải Phòng đã được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị cách đây 5 năm, lúc đó là làm thí điểm.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc triển khai xây dựng mô hình của Hải Phòng còn chậm, trong khi địa phương khác đã thí điểm và được Bộ Chính trị cho làm chính thức. Do vậy, vừa qua, Hải Phòng đã đề nghị Bộ Chính trị bỏ từ “thí điểm”, và giờ được làm chính thức.
Cũng theo đại biểu, cách tiếp cận của Hải Phòng hơi khác so với các địa phương. Do có lợi thế đi sau trong xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị (sau TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), Hải Phòng đã đưa ưu điểm của các địa phương vào mô hình của mình.
Ngoài ra, thành phố cũng có những đặc thù. Do vậy, thành phố tiếp cận theo cách là mô hình nào sẽ có chức năng, nhiệm vụ của mô hình đó. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã tách riêng mô hình chính quyền đô thị, còn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù thì đưa vào thí điểm.
“Mặc dù đã tách ra, song chúng tôi vẫn giữ lại những cái riêng có, vượt hơn so với mô hình không phải là chính quyền đô thị, và có những điểm hơi khác biệt so với các thành phố đi trước, nhưng không rõ, không nhiều”, đại biểu Lê Tiến Châu chia sẻ.
Đại biểu Lê Tiến Châu thông tin thêm, hiện Hải Phòng đang sơ kết Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
“Qua thực tiễn cho thấy, một địa phương hay một quốc gia muốn phát triển, muốn có nguồn lực thì có hai vấn đề quan trọng nhất là nhân lực và cơ chế, chính sách. Nguồn nhân lực thì chúng tôi phải tự cố gắng nỗ lực, nhưng riêng cơ chế, chính sách đặc thù thì phải là Quốc hội cho, Trung ương cho”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ sơ kết Nghị quyết 35/2021/QH15 và sau đó có Nghị quyết mới thay thế.
Theo dự kiến, Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 35/2021/QH15 sẽ trình tại phiên họp chuyên đề tháng 2.2025, hoặc chậm hơn sẽ vào tháng 5.2025 (Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV), với 61 chính sách, trong khi Nghị quyết số 35/2021/QH15 chỉ có 5 cơ chế, chính sách đặc thù.
“Chúng tôi ý thức Hải Phòng phát triển trước hết vì Hải Phòng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Do vậy, nếu được đại biểu Quốc hội ủng hộ Hải Phòng có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù thì thành phố sẽ có nguồn năng lượng mới, động lực mới để phát triển và phát triển một cách bền vững”, đại biểu Lê Tiến Châu khẳng định.