Chính sách dân tộc - Xuyên suốt sự nhân văn (1)

'Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển' - đó là quan điểm của Đảng ta về chính sách dân tộc. Bao nhiêu năm qua, đồng bào các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo bằng nhiều chính sách. Đối với một tỉnh miền núi có trên 82% dân số là người dân tộc thiểu số như tỉnh Điện Biên, việc triển khai các chính sách dân tộc luôn gắn liền với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bài 1: Chính sách mở lối về nẻo sáng

Được thụ hưởng chính sách dành cho dân tộc thiểu số, nhiều đồng bào vùng cao, biên giới thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Từ tính nhân văn đó, đã có những người một thời từng dao động trước sự lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu, âm mưu chống lại Nhà nước, chống lại nhân dân… nay đã “đả thông tư tưởng”, được cộng đồng, tổ chức ghi nhận.

Với rất nhiều chính sách hỗ trợ, đồng bào các dân tộc huyện Mường Nhé có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Với rất nhiều chính sách hỗ trợ, đồng bào các dân tộc huyện Mường Nhé có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Người Mông chia sẻ…

Hơn 12 năm trước, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) xảy ra vụ việc tụ tập đông người khi nhiều người dân tộc Mông nghe theo kẻ xấu, đến dựng lán trại cầu nguyện, đón “vua Mông” để thành lập “Nhà nước Mông”. Ông Sùng Vẳng Say (bản Huổi Chạ 2, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé) khi đó 41 tuổi - độ tuổi được coi là “chín” của một người đàn ông. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát, ông Say nhận được sự tin tưởng của cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, cũng chính vì năng lực cũng như khả năng tập hợp, ông lọt vào “tầm ngắm” dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng đòi li khai, thành lập “Nhà nước Mông” ở Huổi Khon. Trong đó có Tráng A Chớ - một trong những đối tượng cộm cán, cầm đầu tuyên truyền luận điệu huyễn hoặc “Nhà nước Mông là nhà nước không làm cũng có ăn, ai tham gia giúp đỡ Chớ thì sau này sẽ được sắp xếp một vị trí nhất định trong tổ chức và được hưởng cuộc sống sung sướng”. Chính Tráng A Chớ là kẻ đã thành lập “Nhóm bảy cánh” với mục đích tập hợp lực lượng, âm mưu lật đổ chính quyền.

Ông Sùng Vẳng Say (ở giữa), Trưởng bản Huổi Chạ 2 chia sẻ về hướng phát triển kinh tế của bản.

Ông Sùng Vẳng Say (ở giữa), Trưởng bản Huổi Chạ 2 chia sẻ về hướng phát triển kinh tế của bản.

Ông Say nhớ lại: Khi đó tôi nghĩ đơn giản, Chớ cùng là người Mông, cùng theo đạo Tin lành, “người Mông thì chia sẻ với nhau thôi”! Không ngờ sự việc đã trở nên nghiêm trọng. Điều may mắn với tôi đó là không tham gia quá sâu vào tổ chức của Tráng A Chớ. Khi chính quyền, lực lượng chức năng kiểm soát được tình hình, những người “nhỡ” tin vào luận điệu lừa dối như chúng tôi được trở về nhà, nhận được sự khoan hồng của pháp luật (ông Sùng Vẳng Say bị nhắc nhở, ký cam kết không tham gia vào các vụ việc lôi kéo tụ tập đông người).

Trở về nhà sau lần nhận “bánh vẽ: Không làm mà vẫn có ăn, vẫn sống sung sướng”, ông Sùng Vẳng Say như tỉnh cơn mê, đối diện với thực tại chẳng tươi sáng gì khi nhà cửa tan hoang, 7 đứa con đang đói. “Phải làm thôi, phải kiếm hạt thóc, hạt ngô về nuôi vợ con thôi!” - Vẳng Say hạ quyết tâm. Nhưng lấy gì để mua giống thóc, giống ngô, lấy gì để làm đất, tra hạt khi trâu đã bán, tiền đã cạn sau “cú lừa nhà nước riêng?”.

“Nói thật với các anh, khi đó tôi vừa ân hận, vừa bế tắc” - ông Say ngậm ngùi nhớ lại. Điều bất ngờ với ông Sùng Vẳng Say là “dù có lỗi” nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương sau khi nhắc nhở là động viên, hỗ trợ tạm thời các điều kiện để gia đình ông ổn định cuộc sống. Không những thế, khi thể hiện thái độ hợp tác tích cực, được ghi nhận, sinh kế đã đến với gia đình Sùng Vẳng Say. Gia đình ông đã nhận được gói vay vốn hỗ trợ sản xuất 20 triệu đồng từ Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135).

Với số vốn được vay ban đầu từ Chương trình 135 và một số nội dung “trợ lực” khác như: Gạo, muối, hỗ trợ học sinh đi học… cộng với tố chất tháo vát, chịu khó, sau vài năm, ông Sùng Vẳng Say và gia đình đã vực dậy được kinh tế, bắt đầu có của ăn của để. Ngôi nhà mới khang trang, rộng nhất bản được ông Say dựng lên trước sự ngưỡng mộ của cộng đồng, “uy tín đích thực” được xác lập. Và năm 2016, trước sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền, sự tín nhiệm của nhân dân, Sùng Vẳng Say được bầu làm Trưởng bản Huổi Chạ 2. Giờ đây, sau những thăng trầm, kinh nghiệm về vận dụng nguồn lực từ chính sách để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình và cả những kỹ năng “đề kháng” trước luận điệu lừa dối của các thế lực chống đối Đảng, Nhà nước luôn được Sùng Vẳng Say đóng góp, sẻ chia cho cộng đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì Trần Ngọc Kiên (bên phải) thăm mô hình trồng quế của gia đình ông Sùng Vẳng Say.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì Trần Ngọc Kiên (bên phải) thăm mô hình trồng quế của gia đình ông Sùng Vẳng Say.

Nền móng của cơ sở

Cùng đến thăm nhà Trưởng bản Huổi Chạ 2 Sùng Vẳng Say một ngày đầu thu có anh Trần Ngọc Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì. Nhìn 2 cán bộ - một xã, một bản gặp nhau, trao đổi, chia sẻ thông tin, công việc… khiến chúng tôi dường như quên mất trước đây họ từng là phía “đi tuyên truyền, thuyết phục” và phía “được vận động, thuyết phục”! Câu chuyện bên bàn nước nhanh chóng được chuyển ra thực địa là khoảng vườn để cây quế giống của Trưởng bản Sùng Vẳng Say. Cũng bởi Nậm Vì đang triển khai mô hình trồng quế với 42,9ha, trong đó Nhà nước hỗ trợ giống cho 32,9ha, còn 10ha người dân tự đầu tư cây giống. Trưởng bản Sùng Vẳng Say nhận trồng 1,7ha. Với vai trò là trưởng bản, nêu gương “cán bộ đi trước” ông Say đã tự đầu tư mua 2.000 cây quế giống để trồng, vừa phủ kín diện tích được giao vừa san sẻ nguồn cây giống được hỗ trợ với người dân trong bản. “Những cây quế giống này là tâm huyết của tôi, là thành quả từ chính sách đấy. Giờ tôi muốn sẻ chia cho dân bản!” - Trưởng bản Sùng Vẳng Say khẳng định.

Người dân bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Người dân bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì Trần Ngọc Kiên với Trưởng bản Sùng Vẳng Say kéo dài từ việc triển khai mô hình trồng quế đến phát triển kinh tế và cả những vấn đề về an ninh trật tự địa bàn. “Anh là nền móng niềm tin của dân bản, bà con có làm ăn tốt, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội địa bàn có ổn định hay không là nhờ vào anh rất nhiều!” - anh Trần Ngọc Kiên nói với ông Sùng Vẳng Say như một sự động viên, tin tưởng.

Đúc kết lại vấn đề triển khai chính sách trên địa bàn, anh Trần Ngọc Kiên chia sẻ: Ý nghĩa nhân văn từ các chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số là rất to lớn. Đặc biệt ý nghĩa hơn khi chính sách mở lối để nhân dân tin tưởng hơn nữa vào Đảng, vào chính quyền, từ đó “thẩm thấu” hiệu quả, nâng cao một cách bền vững đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài 2: Chọn lọc để phát triển

Lãm Chi Quyên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xay%20dung%20dang/209639/chinh-sach-dan-toc---xuyen-suot-su-nhan-van-1