Chính sách đất đai tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân đề nghị những chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể.
Trong đó, dự án 1 là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk) bày tỏ quan tâm đến nội dung hoàn thiện các chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân bày tỏ đồng tình khi dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung từ "tín ngưỡng" vào điểm a khoản 4 Điều 179, đó là "cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc". Tuy chỉ là bổ sung một từ nhưng đã phản ánh đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo truyền thống, đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào, đã ít nhiều làm mai một văn hóa truyền thống. Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị những chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Về quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào trong việc có điều kiện để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh cùng đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, quy định này trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ việc Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trong những trường hợp như thế nào, điều kiện ra sao. Hơn nữa, dự thảo Luật mới chỉ quy định đối với đất nông nghiệp, chưa đề cập đến đất khác sử dụng cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Do đó, đề nghị mở rộng quy định cả các loại đất khác dành cho đất sinh hoạt, đồng thời, để đảm bảo tính khả thi của chính sách này, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng kiến nghị, đó là chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định. Dự thảo Luật cần dành một chương riêng hoặc ít nhất là một mục riêng quy định về chính sách này. Việc Quốc hội quy định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vừa đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội đối với chính sách lớn quan trọng này, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc, một bước tiến vượt bậc trong xây dựng thể chế pháp luật về đất đai đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.