Chính sách điện gió, điện mặt trời: Nguy cơ phát sinh cơ chế xin cho
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều vấn đề trong ban hành cơ chế chính sách cho năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Ban hành văn bản không phù hợp
Đoàn giám sát vừa có báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021".
Theo báo cáo giám sát, một số văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực năng lượng có nội dung không phù hợp, còn thiếu sót, thậm chí trái không đúng thẩm quyền, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Các văn bản đó là Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Song, báo cáo cũng ghi nhận những đóng góp tích cực trong việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) thời gian qua.
Đoàn giám sát đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về NLTT đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện NLTT tại Việt Nam, đặc biệt khi dành mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư, sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối, đã tạo điều kiện kích hoạt thị trường đầu tư NLTT và các giao dịch ngân hàng, tài chính sôi động.
"Nhìn vào bối cảnh phát triển nguồn điện ở giai đoạn này, các chính sách nêu trên đã giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn và tạo một lượng công suất dự phòng đáng kể, giảm nhập khẩu than đồng thời tăng chỉ số an ninh năng lượng quốc gia", đoàn giám sát nhận định.
Theo báo cáo giám sát, các quyết định 11, quyết định 13 và quyết định 39 về giá ưu đãi (FIT) cho điện gió, điện mặt trời đã tạo ra một bước đột phá về phát triển điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam, chứng minh được khả năng huy động vốn trong và ngoài nước tương đối nhanh và nhiều cho năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, đoàn giám sát lưu ý các quyết định đó không hướng tới giải pháp cho giá mua bán điện sau khi hết hiệu lực giá FIT nên gây khoảng đứt quãng về chính sách đối với tính toán của các nhà đầu tư.
"Giá mua điện mặt trời và gió với các dự án chậm thời hạn FIT, phải theo cơ chế chuyển tiếp do Bộ Công thương đưa ra thấp hơn giá FIT và là giá khung nên đòi hỏi phải tính toán và đàm phán với từng dự án, mất nhiều thời gian", đoàn giám sát đánh giá.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng lưu ý việc chưa xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá (thay cho cơ chế giá FIT) để tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió.
Lo ngại cơ chế xin cho
Căn cứ trên kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đoàn giám sát cũng nêu trách nhiệm của Chính phủ chậm trễ và không phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió quốc gia và cấp tỉnh đến năm 2020 kịp thời trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Điều này dẫn đến việc không có căn cứ cho việc quản lý đầu tư nguồn điện mặt trời, điện gió theo quy hoạch; việc phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió còn có ý kiến khác nhau về căn cứ pháp lý, không có tính tổng thể, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát việc phê duyệt bổ sung, không phù hợp với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra điều này còn không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020 đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực các cấp 557 dự án nguồn điện các loại trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng lưu ý việc ký quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 nhiều dự án điện gió, điện mặt trời. Nhiều dự án thiếu căn cứ pháp lý về quy hoạch (không có quy hoạch), thiếu kiểm soát và không đồng bộ với hệ thống lưới điện truyền tải.
Về đầu tư nguồn điện, đoàn giám sát cho rằng: Việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí đã không hoàn thành theo Quy hoạch (chỉ đạt 82%); nguồn điện mặt trời đã đầu tư, vận hành đến cuối năm 2020 lên tới 16.506MW, trong đó công suất nguồn điện mặt trời nối lưới là 8.642MW, cao gấp 10.2 lần so với quy hoạch được phê duyệt (850MW), phát triển nhanh, tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên là các khu vực có phụ tải thấp, dẫn đến mất cân bằng về cơ cấu nguồn điện, vùng miền.
"Việc đầu tư nguồn điện khí và than không đạt so với quy hoạch có nguyên nhân chính từ chậm tiến độ của 10 dự án nhiệt điện (khí và than) với tổng công suất khoảng 7.000MW, dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 nhưng không hoàn thành theo tiến độ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh", đoàn giám sát đánh giá.