Chính sách giúp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật Dân số được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Các chuyên gia dân số cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh là kết quả tất yếu của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Theo số liệu thống kê, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện từ khoảng năm 2006 đến nay.

Có nhiều cách để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi trong thời đại công nghệ hiện nay, phương pháp chủ yếu là lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện lựa chọn giới tính.

Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào.

Mức độ mất cân bằng ở nước ta cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Bảng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam thời kỳ 1999-2021 (Đơn vị tính: Số bé trai/100 bé gái)

Nguồn: Tổng Cục thống kê; Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ 1/4/2017; Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019; Niên giám thống kê 2020, 2021; Báo cáo của Chính phủ Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, 2024.

Số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không rõ ràng và dường như dao động trong giới hạn của sự cân bằng tự nhiên (103 đến 107 bé trai/100 bé gái).

Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2021: 112 bé trai/100 bé gái; năm 2022: 113,7 bé trai/100 bé gái; năm 2023: 113,6 bé trai/100 bé gái).

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109.

Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ bị dư thừa, có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.

Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109. Song nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này rất khó khăn, khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Đề xuất chính sách về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên

Bộ Y tế hiện đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Trong đó có nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh dân số hiện nay.

Các chính sách này bao gồm: Chính sách "Duy trì mức sinh thay thế"; Chính sách "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên"; Chính sách "Thích ứng với già hóa dân số, dân số già"; Chính sách "Phân bố dân số hợp lý"; Chính sách "Nâng cao sức khỏe dân số"; Chính sách "Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".

Về chính sách gỉam thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, theo Bộ Y tế, mục tiêu của chính sách là:

Xây dựng các giải pháp khống chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần khắc phục những hệ lụy về xã hội và nhân khẩu học do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra, thúc đẩy bình đẳng giới.

Nội dung chính sách cụ thể:

Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi;
Quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường;
Hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái;
Sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm;
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Bộ Y tế đánh giá, chính sách về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên...

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-sach-giup-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-va-dua-ti-so-gioi-tinh-khi-sinh-ve-muc-can-bang-tu-nhien-169240827113319619.htm