Chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi

Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.

Hồi đầu năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6 - 6,5%. Tuy nhiên, trong quý I/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 5,66%. Do đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đang là thách thức lớn của Việt Nam.

Mới đây, một số đơn vị nghiên cứu kinh tế đã đưa ra một số nhận định kém khả quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 Một số đề xuất cho rằng Chính phủ cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. (Ảnh: CC)

Một số đề xuất cho rằng Chính phủ cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. (Ảnh: CC)

Đơn cử, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý II/2024 của Việt Nam sẽ đạt 5,3%, mức này còn thấp hơn quý I/2024.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện trong nửa đầu năm 2024 nhưng tốc độ chậm và vẫn thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch COVID-19.

Ước tính của nhóm nghiên cứu, tăng trưởng GDP quý 2/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.

Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, để kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu giải thích: Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, vì vậy cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh việc Chính phủ nên ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.

“Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi, chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công. Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu nói.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tuy sự tăng trưởng của nền kinh tế không đồng đều trong các ngành nghề nhưng có sự phục hồi so với năm 2023. Thể hiện rõ nhất là quý I, nhiều khả năng là cả quý II, tăng trưởng sẽ tiếp tục phục hồi khả quan.

“Sự khả quan này phản ánh sự phục hồi của các doanh nghiệp. Kết quả phục hồi của các doanh nghiệp thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là ngay trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn có cách quản trị thích hợp. Đồng thời, ngay trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục công cuộc đổi mới sáng tạo để đem lại hiệu quả mà chúng ta có thể thấy được, nắm bắt được, đo đếm được”, ông Thành nhận định.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-sach-ho-tro-dac-biet-cho-cac-doanh-nghiep-can-cu-the-va-kha-thi-post300672.html