Đổi thay ở miền đất nơi đầu sóng
Từ vùng đất hoang vu, đầy lau sậy, chua phèn năm xưa... giờ đây mảnh đất Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đang đổi thay từng ngày nhờ bàn tay, khối óc của người dân trong công cuộc quai đê, lấn biển vang bóng một thời. Nam Cường - mảnh đất đầu sóng ngọn gió, nơi vinh dự được Bác Hồ kính yêu về thăm vào năm 1962.

Nghề làm nước mắm ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Lịch sử Đảng bộ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có ghi: Sáng 26/3/1962, xã Nam Cường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Ân cần hỏi thăm cuộc sống và sức khỏe của người dân đi khai hoang lấn biển, Bác vui mừng trước thành quả đạt được và khen ngợi đồng bào có tinh thần khắc phục khó khăn làm giàu cho quê hương. Đồng thời, Bác căn dặn nhân dân phải dốc sức đồng lòng, xây dựng Nam Cường trở thành xã duyên hải giàu mạnh.
Bí thư Đảng bộ xã Nam Cường Hoàng Ngọc Sang chia sẻ: Đầu năm 1961, huyện Tiền Hải thành lập tiểu đoàn khai hoang Nam Cường, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Cường với 200 hộ, hơn 1.300 nhân khẩu của 26 dòng họ từ các xã trong huyện. Ngày 23/4/1961, công cuộc khai hoang lấn biển mở đất chính thức bắt đầu. Tiểu đoàn tổ chức phân công lao động với các mũi chủ công: sản xuất muối, đánh bắt cá, quật đất lập thổ, làm nhà và vỡ hoang trồng lúa.
Trong bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, chủ yếu là sức người với quyết tâm chiến thắng, những người nông dân Nam Cường sau 1 năm đã làm nên kỳ tích khai phá được hơn 200 ha, mở rộng diện tích đất canh tác, trong đó có 90 ha đất trồng lúa, hơn 100 ha trồng cói và nuôi trồng thủy sản. Vụ lúa đầu tiên đã sai bông mẩy hạt, cho thu hoạch hơn 100 tấn thóc. Mảnh đất Nam Cường trong quá trình xây dựng, phát triển,luôn tạo nên những kỳ tích, trở thành xã điển hình không những của tỉnh Thái Bình mà lan tỏa trong cả nước.
Thời gian qua, Nam Cường rất quan tâm, chú trọng việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ban đầu cấy lúa rồi chuyển sang trồng cói; năm 1992 lại chuyển về cấy lúa, đến năm 2001 chuyển dịch 50% diện tích đất cơ bản của người dân sang nuôi trồng thủy sản. Đây là một cuộc cách mạng bởi trồng lúa không hiệu quả do đất ven biển chua phèn, nhiễm mặn, năng suất không cao. Cũng trong những năm tháng này, Nam Cường là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện việc tích tụ ruộng đất và trở thành điển hình trong nuôi trồng thủy sản.
Sau khi thành công trong nuôi trồng thủy sản, Nam Cường bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, mặc dù không phải là xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã vẫn quyết tâm triển khai thực hiện bằng hướng đi, cách làm riêng của mình. Thời gian này, cán bộ và nhân dân rất hăng say, nhiệt huyết với phong trào, thậm chí cán bộ xã mỗi người tự nguyện bỏ ra 10 ngày lương cơ bản để đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí. Đến tháng 12/2013, Nam Cường đã về đích xây dựng nông thôn mới với 19/19 tiêu chí đạt. Tất cả các con đường trong xã đều được làm đồng bộ hệ thống cống, rãnh tiêu thoát nước; đường được quy hoạch theo ô bàn cờ cho nên thông thoáng và đẹp đẽ.
Năm 2023, Nam Cường đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đến năm 2024 xã cán đích nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nguồn lực tài chính chủ yếu do cán bộ, nhân dân tự nguyện đóng góp, tỉnh, huyện hỗ trợ một phần. Trước khi xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, Nam Cường đã có lộ trình đầu tư một loạt cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Đến khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương chỉ bổ khuyết thêm một số tiêu chí như làm chương trình “Thắp sáng đường quê” hoàn toàn do nhân dân tự thực hiện với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; mở rộng đường từ 3,5m lên 4 đến 5m để người dân đi lại thuận tiện,đưa cơ giới hóa ra đồng ruộng; thực hiện vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh.
Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải chia sẻ: Nam Cường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào năm 1962. Địa phương đã xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh quy mô bề thế, khang trang. Giờ đây, ngày 26/3 hằng năm (ngày Bác Hồ về thăm) đã trở thành Ngày hội Văn hóa, thể thao truyền thống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thay-o-mien-dat-noi-dau-song-post881178.html