Chính sách hỗ trợ người gặp khó do COVID chưa 'chạm' đến lao động tự do
Nhiều bất cập trong các gói hỗ trợ COVID-19 đã được các đại biểu nêu ra trong tọa đàm do lãnh đạo Quốc hội chủ trì.
Tại cuộc tọa đàm về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 27-9, TS Võ Trí Thành cho biết có những vấn đề nêu ra từ năm ngoái, nhưng thực thi quá chậm và “không ai đau đáu với nó”.
“Năm ngoái, tôi còn nhớ chúng ta bàn rất nhiều về cách hỗ trợ, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ... Chúng ta cũng bàn đến vấn đề trao quyền nhưng gần đây Quốc hội mới trao quyền cho Chính phủ trong chống dịch. Chúng ta đã bàn về cơ chế Ban Chỉ đạo chống dịch kết hợp với kinh tế ngay từ đầu nhưng không ai đồng ý” - ông Thành nói thêm.
Cũng theo ông Thành, từ tháng 9-2020, ở cấp làm chính sách còn bàn việc chuẩn bị gói hỗ trợ thứ hai. Bộ KHĐT đã đặt lên bàn một gói mạnh hơn, lớn hơn, dài hơn... cho quá trình phục hồi kinh tế - dù thời điểm ấy chưa ai biết sẽ có đợt dịch thứ tư gây khủng hoảng như thế này.
“Chúng ta đặt lên bàn hết rồi nhưng cuối cùng vì rất nhiều lý do mà xao lãng đi. Tôi nghĩ bây giờ là lúc “nước sôi lửa bỏng”, chúng ta quay lại. Đó là bài học, nhưng dù đã muộn, có còn hơn không”- vẫn lời TS Võ Trí Thành.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, đánh giá quy mô các gói hỗ trợ mà Chính phủ triển khai từ khi có dịch đến nay còn khá khiêm tốn.
Dẫn thống kê của IMF, ông Lực cho biết quy mô các chương trình hỗ trợ của các nước bình quân khoảng 16% GDP, gồm hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Trong đó, chính sách tài khóa chiếm khoảng 10% GDP, tiền tệ khoảng 6%. “Chính sách hỗ trợ tài khóa phải là chủ yếu” - ông Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ông Lực tính toán năm 2020 Chính phủ thực chi các gói hỗ trợ tài khóa ở mức 2% GDP. Năm 2021, kể cả QH vừa mới thông qua chương trình 30.000 tỉ, đến thời điểm hiện nay công bố lên khoảng 60.000 tỉ, thì chỉ dưới 1% GDP.
Về gói hỗ trợ tiền tệ, năm 2020 là 30.600 tỉ. Năm 2021, đến thời điểm này khoảng 54.000 tỉ, bao gồm cả giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí…
“Chúng ta hiện nay dựa vào các gói hỗ trợ tiền tệ tương đối nhiều” - ông Lực cho biết.
Liên quan đến đối tượng hỗ trợ, TS Cấn Văn Lực cho rằng “vẫn chưa chạm đến một đối tượng rất yếu thế là lao động tự do”.
Nghị quyết 68 cho phép các địa phương tự chi cho nhóm yếu thế này, nhưng mới có khoảng 20 địa phương thực chi, tổng khoảng 20.000 tỉ.
“Quá thấp so với nhu cầu của khoảng 29,3 triệu lao động tự do” - ông Lực nhận xét. “Việt Nam là một trong những nước có chính sách hỗ trợ người dân thấp nhất so với nhu cầu”- PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài Chính đồng tình.
Từ thực tế này, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề nghị tăng quy mô các gói hỗ trợ trong đó lưu ý hơn đến hai nhóm đối tượng: lao động tự do, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không đại trà.
Bình luận thêm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ mới thực hiện theo hướng Nhà nước giảm thu chứ chưa tăng chi để hỗ trợ. Chưa kể, nhiều chính sách hỗ trợ rất ngắn hạn, chỉ đến cuối năm 2021 trong khi ảnh hưởng của dịch bệnh thì còn kéo dài sang 2022.
“Với những doanh nghiệp không có nguồn thu hoặc nguồn thu ít thì mức độ thụ hưởng chính sách này rất ít” - ông Tuấn nói.