Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bỏ sót một tỉnh nơi 'rốn lũ' miền Trung, Bộ Tài chính nói gì?

Là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lên tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp lại bỏ sót tỉnh Thừa Thiên Huế...

Mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nông dân Thừa Thiên Huế.

Mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nông dân Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Tuy nhiên, tại Điều 6, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về các địa phương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (Quyết định số 13/2022) vẫn chưa có tỉnh Thừa Thiên Huế.

Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm bổ sung vào danh mục các địa phương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều cho người dân Thừa Thiên Huế an tâm sản xuất.

Quyết định số 13/2022 nêu rõ danh sách các địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa bao gồm: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; đối với cây cao su tại các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai; đối với cây cà phê tại các tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.

Đối với cây hồ tiêu tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; còn đối với cây điều, tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.

Trong khi đó, đối với trâu, bò, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương. Đối với lợn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Còn đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ 24/6/2022 đến hết 31/12/2025.

"Việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ cơ bản căn cứ theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, định hướng phát triển, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, các địa bàn được đề xuất là những địa phương có quy mô, diện tích hàng đầu về sản xuất các sản phẩm bảo hiểm được hỗ trợ", Bộ Tài chính cho hay.

Về mức hỗ trợ, đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể lên tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Còn mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp...

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay trong quá trình xây dựng Quyết định số 13/2022, Bộ có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp bảo hiểm và đăng dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi.

Cũng theo Bộ Tài chính, đa số các địa phương này đã được thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019, Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, người dân tại các địa bàn này đã được tiếp cận với bảo hiểm nông nghiệp và nắm bắt được quy định kiểm soát rủi ro trong quá trình tham gia bảo hiểm.

Ghi nhận ý kiến của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy định về bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Trâm Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-sach-ho-tro-phi-bao-hiem-nong-nghiep-bo-sot-mot-tinh-noi-ron-lu-mien-trung-bo-tai-chinh-noi-gi.htm