Chính sách kêu gọi ưu đãi đầu tư rất tốt, nhưng thực tế bị cản trở rất nhiều

Sáng 21-7, tại TP. Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI) tổ chức Hội nghị Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện các cơ quan nhà nước, sở, ban, ngành của 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, các hiệp hội doanh nghiệp (DN), DN địa phương. Hội nghị có nhiều tham luận từ các chuyên gia và phiên thảo luận tổng thể.

Trong đó, hội nghị tập trung trao đổi thông tin về các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư hiện đại và bền vững tại khu vực ĐBSCL; hướng đến nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, nâng cao năng lực quản lý, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu tại ĐBSCL.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện nhà đầu tư chia sẻ dưới góc nhìn thực tế về điều kiện đầu tư và vận hành các dự án tại ĐBSCL.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc hội nghị.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC đã có những đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế và thu hút đầu tư của khu vực phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, ĐBSCL đã và đang cho thấy được những bước phát triển ổn định, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung trong nền kinh tế cả nước.

Trong các năm 2021 và 2022, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hoạt động giao thương tại ĐBSCL vẫn duy trì ổn định.

Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam phát biểu tại hội nghị.

Qua đó có thể thấy rằng, chính quyền địa phương và cộng đồng DN tại ĐBSCL đã có những nỗ lực rất lớn. Các địa phương đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định vị thế là “huyết mạch giao thương” của khu vực phía Nam.

Bước sang năm 2023 với nhiều biến động lớn từ bối cảnh toàn cầu, cộng đồng DN nói chung và DN tại ĐBSCL nói riêng đang gặp phải nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu truyền thống liên tục hoãn, hủy đơn hàng; tỷ lệ đầu tư cũng chưa có nhiều bứt phá.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế, mà ở góc độ pháp lý còn gây ra nhiều rủi ro, làm tăng khả năng phát sinh tranh chấp.

VIAC, VCCI chi nhánh tại Cần Thơ cùng Hiệp hội DN các tỉnh, thành ĐBSCL ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

VIAC, VCCI chi nhánh tại Cần Thơ cùng Hiệp hội DN các tỉnh, thành ĐBSCL ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

Theo thống kê từ VIAC, tỷ lệ tranh chấp liên quan đến hợp đồng ngoại thương, đầu tư có xu hướng tăng qua các năm và tính đến năm 2022, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài đã đạt gần 30%.

Điều này đã cho thấy được những bất cập và trở ngại trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài.

Với những tồn tại đó, việc trang bị, hỗ trợ cho DN những thông tin, công cụ cần thiết để phòng tránh các rủi ro, ngăn ngừa tranh chấp là điều rất cần thiết và cần được đầu tư đúng mực.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian gần đây, các tỉnh, thành trong khu vực đặc biệt chú trọng những lợi thế của vùng.

Tuy nhiên, khu vực này cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả DN trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có.

Nói về khó khăn trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Phương Lam cho biết, cản trở hiện nay là việc chồng chéo giữa các văn bản luật hiện hành; điều kiện kinh doanh, hợp tác phải minh bạch nhiều hơn.

Về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cũng là một trong những cản trở trong thu hút đầu tư.

“Riêng tại ĐBSCL, trong 3 năm nay, các dự án đầu tư liên quan đến đất đai hầu như phải chỉnh lại. Nguồn nhân lực và lao động cũng là một trong những trở ngại.

Nhiều DN phản ánh là chính sách kêu gọi ưu đãi đầu tư rất tốt, nhưng thực tế là bị cản trở rất nhiều” - ông Nguyễn Phương Lam thông tin thêm.

Thấy được những vấn đề còn tồn tại, với mong muốn chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu, phát triển kinh tế vùng, VIAC, VCCI chi nhánh tại Cần Thơ cùng Hiệp hội DN các tỉnh, thành ĐBSCL ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202307/chinh-sach-keu-goi-uu-dai-dau-tu-rat-tot-nhung-thuc-te-bi-can-tro-rat-nhieu-985272/