Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Chính sách kiểm soát giá cả là một trong những công cụ chính sách công được nhiều quốc gia áp dụng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và ổn định kinh tế. Song, hiệu quả của các chính sách này phụ thuộc rất lớn vào cách triển khai và các yếu tố bối cảnh. Bài học từ những mô hình thành công và thất bại trên thế giới cung cấp nhiều kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia đang phát triển...

TỪ SỰ LINH HOẠT CỦA CHÍNH PHỦ PHÁP, SINGAPORE VÀ CANADA

Singapore, dù là quốc gia nhỏ và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đã xây dựng được một hệ thống kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và thực phẩm. Chính phủ duy trì các kho dự trữ chiến lược cho các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn và đường để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn khủng hoảng.

Đặc biệt, thay vì áp dụng giá trần cứng nhắc, Singapore thực hiện trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp khi giá cả tăng cao. Điều này giúp giảm bớt tác động tiêu cực mà vẫn duy trì sự vận hành của thị trường. Giá năng lượng được kiểm soát thông qua giám sát chặt chẽ các nhà cung cấp, đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để giảm áp lực chi phí lâu dài.

Nhờ các chính sách linh hoạt này, Singapore duy trì được mức giá cả ổn định, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch COVID-19, và đảm bảo được chất lượng sống cho người dân.

Còn đối với Canada, đất nước này đã áp dụng chính sách kiểm soát giá thuê nhà để giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt, đặc biệt ở các thành phố lớn như Vancouver và Toronto. Chính sách này quy định mức tăng giá thuê tối đa hàng năm, thường được điều chỉnh dựa trên tỷ lệ lạm phát.

Hệ thống này không chỉ bảo vệ người thuê nhà khỏi tình trạng giá thuê tăng đột biến mà còn giúp duy trì sự ổn định trong thị trường bất động sản. Ngoài ra, chính quyền Canada còn đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của các nhóm thu nhập thấp và trung bình. Đây là một ví dụ điển hình về việc kết hợp giữa kiểm soát giá cả và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội.

Pháp là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc kiểm soát giá dược phẩm thông qua các cơ chế đàm phán minh bạch và hiệu quả. Chính phủ Pháp không áp đặt giá cứng nhắc mà thực hiện đàm phán trực tiếp với các công ty dược phẩm để đưa ra mức giá phù hợp. Cơ quan Y tế Quốc gia (HAS) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả lâm sàng và chi phí của các loại thuốc mới.

Hơn nữa, để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các loại thuốc thiết yếu, chính phủ sử dụng hệ thống trợ cấp trực tiếp và bảo hiểm y tế. Các loại thuốc được đưa vào danh mục "được bảo hiểm" thường có giá thấp hơn, giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân.

Nhờ cơ chế linh hoạt này, giá thuốc tại Pháp luôn ổn định và người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Đây là một mô hình kiểm soát giá hiệu quả mà không làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các công ty dược phẩm.

 Chính phủ Singapore duy trì các kho dự trữ chiến lược cho các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn và đường để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn khủng hoảng

Chính phủ Singapore duy trì các kho dự trữ chiến lược cho các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn và đường để đảm bảo nguồn cung ổn định trong các giai đoạn khủng hoảng

ĐẾN VIỆC CỨNG NHẮC CỦA VENEZUELA VÀ ZIMBABWE TRONG THIẾT KẾ VÀ THỰC THI CHÍNH SÁCH

Venezuela là một ví dụ điển hình cho thất bại trong chính sách kiểm soát giá cả. Chính phủ nước này áp đặt giá trần cứng nhắc đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thuốc men nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trầm trọng.

Thay vì ổn định thị trường, chính sách này đã làm bùng nổ thị trường chợ đen, nơi giá cả cao hơn nhiều so với giá trần chính thức. Điều này không chỉ gây bất ổn kinh tế mà còn làm tăng bất bình đẳng trong xã hội.

Hay như Zimbabwe, trong giai đoạn siêu lạm phát, chính phủ nước này cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt đối với nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, thay vì giúp ổn định kinh tế, chính sách này đã làm suy giảm nghiêm trọng năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không thể duy trì lợi nhuận trong điều kiện giá cả bị kiểm soát. Hệ quả là nền kinh tế Zimbabwe rơi vào khủng hoảng trầm trọng, sản lượng giảm mạnh và hàng hóa khan hiếm, làm suy giảm lòng tin của người dân vào chính phủ.

Phân tích về nguyên nhân thành công cũng như thất bại của các nước trên, PGS.TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, một yếu tố quan trọng quyết định thành công của chính sách kiểm soát giá là sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ. Trong các trường hợp thành công như Pháp và Singapore, chính phủ không chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát mà còn cung cấp trợ cấp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngược lại, ở Venezuela và Zimbabwe, sự thiếu hụt nguồn lực và hỗ trợ đã khiến chính sách kiểm soát giá không thể duy trì lâu dài.

Theo PGS.TS. Trương Thị Thủy , các quốc gia thành công đều xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả để ngăn chặn các hành vi tiêu cực như đầu cơ hoặc buôn lậu. Đồng thời, họ điều chỉnh chính sách linh hoạt theo tình hình thực tế, chẳng hạn như trợ cấp trực tiếp khi cần thiết. Trong khi đó, sự cứng nhắc trong thiết kế và thực thi chính sách tại Venezuela và Zimbabwe đã làm gia tăng các hệ lụy tiêu cực như khan hiếm hàng hóa và méo mó thị trường.

Việt Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chinh-sach-kiem-soat-gia-ca-bai-hoc-thanh-cong-tu-phap-singapore-va-that-bai-cua-venezuelazimbabwe-post557156.html