Chính sách là nguồn lực, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Chưa đầy hai tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 với các cơ chế, chính sách đặc biệt dành cho kinh tế tư nhân. 'Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội và cho thấy chính sách được nhìn nhận là nguồn lực, là lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp', ông PHẠM PHÚ TRƯỜNG, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu, nói.
Quyết sách rất công phu, toàn diện, trực diện
- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; điều này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp, thưa ông?

- Có thể nói, chưa bao giờ, kinh tế tư nhân có được thời cơ, vận hội lớn để phát triển như hiện nay, khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó lần đầu tiên xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
Chưa đầy 2 tuần sau, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW. Điểm rất đáng mừng ở đây là chúng ta đã thực sự coi chính sách là nguồn lực, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhìn vào Nghị quyết số 198/2025/QH15 có thể thấy, các quyết sách của Quốc hội rất cụ thể, công phu, mang tính toàn diện. Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ các chỉ tiêu như: rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp; chậm nhất ngày 31.12.2026 hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư... Việc "giao KPI" này chính là định lượng cho công tác triển khai, là cơ sở để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
- Qua thực tế tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, theo ông, các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 198/2025/QH15 đã đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp chưa?
- Doanh nghiệp nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn về vốn, đất đai... Đối chiếu với nội dung Nghị quyết số 198/2025/QH15, có thể thấy các chính sách hỗ trợ rất trúng và đúng, đi vào thực chất, giải quyết trực diện những điểm nghẽn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Việc phân định rõ giữa trách nhiệm pháp nhân và cá nhân; giữa trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự sẽ có tác động rất tích cực với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn, tự tin hơn trong thực hiện các dự án mới, dịch vụ mới, thậm chí ngành nghề kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong được hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường. Đặc biệt, cần có chính sách để đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng ngay trong nước. Ví dụ quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng nhà cung ứng trong nước đối với từng doanh nghiệp FDI, nếu họ đạt được mức độ nhất định sẽ được hưởng quyền lợi tương xứng.
Giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương
- Nghị quyết số 198/2025/QH15 quy định miễn kiểm tra thực tế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật. Ông đón nhận thông tin này thế nào?
- Thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp thời gian qua. Tại Nghị quyết đã đổi mới căn bản, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng rất đột phá, trong đó có miễn kiểm tra với những doanh nghiệp, hộ kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật. Đây chắc chắn là tin mừng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trong sạch.
Tới đây, khi triển khai, cần làm rõ thế nào là tuân thủ tốt quy định pháp luật. Phải có tiêu chí rõ ràng và công khai tiêu chí đó để doanh nghiệp chủ động, tự giác hơn, biết mình đang ở đâu. Chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số nên việc đánh giá cần dựa vào khoa học, công nghệ để bảo đảm tính khách quan.
- Một trong những nội dung được doanh nghiệp rất quan tâm là chính sách hỗ trợ về đất đai. Theo ông, tới đây, cần triển khai như thế nào để bảo đảm chính sách này thực sự đi vào cuộc sống?
- Được hỗ trợ về đất đai là một trong những mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để bảo đảm chính sách hỗ trợ này cũng như các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 198/2025/QH15 nói chung đi vào thực tế, cần giao chỉ tiêu công việc cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương; đồng thời phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy, không phải chờ doanh nghiệp đến xin làm thủ tục nhận hỗ trợ chính sách, mà phải chuyển sang chủ động đi tìm doanh nghiệp có đủ năng lực, đủ điều kiện để hỗ trợ cho họ.
Trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng cần hết sức khẩn trương rà soát, chỉnh sửa các quy định thuộc thẩm quyền, ban hành các chính sách, quy định nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho triển khai.
Về phía doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò chủ động để nắm bắt được cơ hội từ chính sách, phát triển nhanh và bền vững.
- Xin cảm ơn ông!