Chính sách linh hoạt và dòng tiền nội địa giữ vững ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong bối cảnh Fed duy trì lãi suất và chính sách thuế quan của Mỹ, dòng tiền nội địa cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường vẫn là điểm tựa vững chắc giúp chứng khoán Việt Nam duy trì thanh khoản và hướng tới tăng trưởng bền vững trong năm 2025.
Thị trường vốn đón sóng mới từ làn gió cải cách và tư nhân hóa mạnh mẽ Thị trường bất động sản đang phục hồi nhờ sức đẩy kinh tế
Dòng tiền nội giữ nhịp thị trường
Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động, những diễn biến từ Mỹ và tác động đến Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với chính sách thuế quan đang tạo áp lực lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2025.
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay không còn thực tế khi cơ quan này vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Thị trường lao động Mỹ duy trì ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp, tạo sức ép lên chính sách tiền tệ và khiến các nhà đầu tư toàn cầu thận trọng. Điều này ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh chính sách thuế mới của Mỹ làm chuỗi cung ứng và dòng tiền toàn cầu trở nên bất ổn.

Nguồn: VNDIRECT.
“Khối ngoại đã bán ròng gần 42.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2025 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, gần bằng một nửa tổng lượng bán ròng của năm 2024. Đây là dấu hiệu cho thấy sự rút vốn mạnh mẽ trong bối cảnh Fed duy trì lãi suất cao” - ông Tuấn nhận định
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, do tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 7-9% tổng giá trị giao dịch, giảm đáng kể so với trước đây, tác động của khối ngoại dù có nhưng không còn quyết định như trước. Ngược lại, dòng tiền nội địa, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân, đang trở thành lực đỡ quan trọng giúp thị trường duy trì thanh khoản và ổn định.
Chuyên gia từ PSI kỳ vọng, trong nửa cuối năm 2025, Fed sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất với 1-2 lần hạ lãi suất, giảm áp lực rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội thu hút dòng tiền quốc tế dài hạn.
Chính sách nới lỏng tạo đà tăng
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng, làn sóng bán ròng của khối ngoại từ năm 2023 chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam.
Mỹ duy trì lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi Việt Nam giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, chính sách thuế mới của Mỹ và các rủi ro địa chính trị cũng khiến nhà đầu tư ngoại thận trọng, tạm thời rút vốn.

Làn sóng bán ròng của khối ngoại chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam. Ảnh minh họa
“Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với kỳ vọng được nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025. Việc nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn dài hạn từ các quỹ quốc tế, góp phần cải thiện thanh khoản và vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu. Đây sẽ là một điểm sáng quan trọng trong bức tranh thị trường vốn Việt Nam năm nay” - ông Toàn đánh giá.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực với GDP quý I/2025 đạt 6,93%. Chính phủ thực hiện nhiều chính sách điều hành linh hoạt nhằm ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, nổi bật là chính sách tiền tệ nới lỏng và gói đầu tư công lớn tập trung phát triển hạ tầng, bất động sản phục vụ nhu cầu thực tế. Việc ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân cũng kỳ vọng tạo động lực mới cho nền kinh tế.
“Vai trò của dòng tiền nội địa trong việc duy trì ổn định thị trường. Dù khối ngoại bán ròng mạnh, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giữ lực mua tốt, giúp hấp thụ áp lực bán và duy trì thanh khoản cùng trạng thái tích cực cho thị trường. Việc vận hành Hệ thống giao dịch KRX mới cũng góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế” - chuyên gia MAS nhấn mạnh.
Những yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách hỗ trợ, nâng cao hạ tầng kỹ thuật cùng dòng tiền nội mạnh đang tạo nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù còn nhiều rủi ro từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị, chính sách thuế Mỹ, với nội lực được củng cố, thị trường Việt Nam có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn để bước vào chu kỳ tăng trưởng ổn định và bền vững hơn./.