Đà giảm của lãi suất đang chậm lại

Ghi nhận từ thị trường ngân hàng cho thấy, đà giảm của lãi suất đang chậm lại và dự báo sẽ nhích lên về cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng cao.

Lãi suất huy động ở ngân hàng thương mại cổ phần hiện về mức thấp trong nhiều năm

Lãi suất huy động ở ngân hàng thương mại cổ phần hiện về mức thấp trong nhiều năm

Lãi suất nhích lên ở một số ngân hàng

Đầu tháng 5, BacA Bank điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm mới dành cho khách hàng cá nhân. Đáng chú ý, đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Ngân hàng chỉ trong 2 tuần. Theo đó, từ ngày 8/5/2025, BacA Bank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng ở kỳ hạn 1 - 11 tháng và tăng lãi suất 0,1%/năm cho các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng khi khách hàng lựa chọn hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.

Cụ thể, với khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở xuống, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng được nâng lên 3,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng đạt 4,2%/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng lần lượt là 4,3%/năm và 4,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 - 8 tháng có lãi suất mới là 5,35%/năm, kỳ hạn 9 - 11 tháng có lãi suất mới là 5,45%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh lên 5,7%/năm, kỳ hạn 13 - 15 tháng đạt 5,8%/năm và kỳ hạn dài 18 - 36 tháng tăng lên 6%/năm.

Đối với khoản tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ, BacA Bank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 4 tháng và 6 - 11 tháng. Riêng kỳ hạn 5 tháng và từ 12 - 36 tháng, lãi suất được điều chỉnh tăng 0,1%/năm. Theo đó, tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng có lãi suất 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng có lãi suất 4,4%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,5%/năm và kỳ hạn 5 tháng là 4,6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 8 tháng đã được nâng lên 5,55%/năm, kỳ hạn 9 - 11 tháng là 5,65%/năm, kỳ hạn 12 tháng đạt 5,9%/năm.

Từ cuối tháng 4, Techcombank đã công bố lãi suất tiết kiệm mới dành cho khách hàng cá nhân (khách hàng thường) gửi tại quầy, với mức tăng 0,1%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Biểu lãi suất mới dao động trong khoảng 3,05 - 4,55%/năm dành cho kỳ hạn 1 - 36 tháng, nhận lãi cuối kỳ. Còn với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất huy động trong khoảng 2,8 - 4,6%/năm nếu khách hàng gửi dưới 5 tỷ đồng, tức tăng 0,2 - 0,4%/năm so với trước. Với khoản tiền gửi trên 5 tỷ đồng, mức lãi suất dao động từ 2,9 - 4,7%/năm cho kỳ hạn 1 - 36 tháng, tăng 0,2 - 0,4%/năm. Nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng với sản phẩm Lộc Phát Online, với mức tăng 0,1%/năm.

Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng hạ lãi suất đầu vào. Chẳng hạn, MB giảm 0,2%/năm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,7%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 3,8%/năm; các kỳ hạn từ 3-5 tháng là 4%/năm.

Trước đó, Eximbank giảm từ 0,1 - 0,3%/năm lãi suất tại hầu hết kỳ hạn tiền gửi dưới 36 tháng và nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng thêm 0,3%/năm.

Nhận định được bà Đinh Hà Anh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) đưa ra, sau khi hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất trong hai tháng vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng đi xuống nhưng đã chậm lại.

Trong tháng 4, có gần 10 ngân hàng hạ lãi suất với mức giảm 0,1 - 0,5%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận một vài ngân hàng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ tăng lãi suất đầu vào trong bối cảnh nhu cầu tín dụng có dấu hiệu phục hồi tích cực. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93%, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Nhìn chung, số lượng ngân hàng giảm lãi suất huy động hiện vẫn đang chiếm ưu thế. Đến cuối tháng 4, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại đã giảm 12 điểm cơ bản, về mức 4,93%/năm, trong khi lãi suất của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối vẫn giữ ở mức 4,7%/năm”, bà Hà Anh cho biết.

Tăng dần về cuối năm

Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng lãi suất, bà Hà Anh cho rằng, trước bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại hút ròng thanh khoản trong tháng 4 với trị giá ước đạt khoảng gần 22.200 tỷ đồng nhưng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sau khi duy trì quanh ngưỡng 4 - 4,4%/năm trong nửa đầu tháng 4 đã giảm mạnh về mức đáy 13 tháng tại 2,2%/năm vào ngày 25/4/2025, cho thấy tình trạng dư thừa của thanh khoản hệ thống.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, lãi suất VND liên ngân hàng dự kiến tiếp tục neo quanh vùng lãi suất OMO dưới tác động của các yếu tố: Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục nhất quán với định hướng nới lỏng để trợ lực cho nền kinh tế trước thách thức lớn đến từ rủi ro thuế quan. Theo đó, bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất OMO ở mức 4%/năm, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng nới lỏng các công cụ trên thị trường mở, cũng như phối hợp với Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ đảm bảo thanh khoản.

Ngoài ra, các giải pháp thúc đẩy tín dụng cũng sẽ tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ (gói 500.000 tỷ đồng về công nghệ, cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp ảnh hưởng thuế quan…). Thứ hai, thanh khoản VND dự kiến tiếp tục ổn định nhờ các dòng tiền hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và mức nền tương đối dồi dào từ cuối tháng trước.

“Tuy nhiên, trạng thái này nhìn chung vẫn kém bền vững, phụ thuộc lớn vào các kênh hỗ trợ do nguồn cung ngoại tệ tiếp tục thâm hụt. Cân đối huy động vốn - tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại dự kiến chưa thể cải thiện trong tháng 5 và tăng trưởng huy động vốn vẫn tiếp tục thấp hơn khoảng 1,5 - 2,0% so với tăng trưởng tín dụng”, lãnh đạo BIDV lưu ý.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép trong thời gian tới: Thứ nhất, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua; thứ hai, nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán; thứ ba, mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao và xu hướng của thị trường tài chính toàn cầu khó đoán định sau khi Mỹ tuyên bố chính sách thuế đối ứng.

Bà Hà Anh nhận định, lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17 - 18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Dựa vào các yếu tố trên, dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5,5 - 6%/năm trong năm 2025”, bà Hà Anh nói.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/da-giam-cua-lai-suat-dang-cham-lai-post369519.html