Chính sách mới

Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước ta triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hiện thực hóa quyết tâm khai thông 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' để tạo ra 'đột phá của đột phá', qua đó kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà thực hiện các mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Với mục tiêu đưa nhanh những chính sách mới, có tầm ảnh hưởng lớn vào thực tiễn cuộc sống, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Chuyên mục "Chính sách mới" đăng thường xuyên trên các số báo ra ngày thứ ba và thứ sáu hằng tuần.

Bảo đảm tính thông suốt sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký chứng thực ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Nghị quyết quy định rõ nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Đáng chú ý là nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Theo đó, nghị quyết yêu cầu cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) có trách nhiệm tổ chức thực hiện TTHC bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong TTHC đã thực hiện trước khi sắp xếp.

Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thông báo công khai về văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc thay đổi cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện TTHC; việc thay đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính...

Ảnh minh họa / VGP

Ảnh minh họa / VGP

Cùng với đó, nghị quyết cũng quy định rõ thời hạn chuyển tiếp để sắp xếp cấp phó. Theo đó, khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày ra quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.

Việc ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 là sự phản ứng nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp có tâm lý lo lắng về việc sau khi sắp xếp sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ công việc của người dân, doanh nghiệp. Bằng việc ban hành nghị quyết này, Quốc hội đã ràng buộc trách nhiệm của cả cơ quan và người giữ chức danh có thẩm quyền trong việc bảo đảm tính thông suốt việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng tới sự vận hành bình thường của xã hội.

Sau sắp xếp, số lượng cấp phó của các cơ quan thường nhiều hơn so với quy định. Tuy nhiên, nước ta đã có kinh nghiệm giải quyết vấn đề này từ đợt sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019-2021. Việc quy định rõ ràng thời hạn chậm nhất là 5 năm sau sắp xếp, các cơ quan, đơn vị phải giải quyết xong vấn đề số lượng cấp phó cho thấy sự minh bạch của chính sách, cũng thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy để bảo đảm yêu cầu xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/chinh-sach-moi-817053