Chính sách ngoại giao của Mỹ trước tình hình mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoàn thành chính sách 'xoay trục châu Á' với một số điều chỉnh mới trước các thay đổi gần đây trên thế giới.

"Xoay trục" châu Á

Theo hãng AP, diễn biến gần đây ở Ukraine là một trong những động thái khiến Mỹ phải điều chỉnh chính sách ngoại giao của mình. Cùng với đó, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, Washington cũng phải tính đến các thay đổi trong chính sách kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Dự kiến ngày 18/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm. Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm sẽ tập trung vào cách thức "quản lý sự cạnh tranh giữa hai nước", tình hình Ukraine và những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm.

Trong nỗ lực điều chỉnh mới về chính sách ngoại giao, Chính quyền Tổng thống Biden định hướng sẽ tập trung xem xét một cách toàn diện nhất, hài hòa không chỉ ở ngoại giao kinh tế mà cả quân sự.

"Thật khó và cũng rất tốn kém. Tuy nhiên, tôi cho rằng rất cần thiết bởi chúng ta đang bước vào thời điểm bắt buộc Mỹ phải làm", ông Kurt Campbell, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nói trong một diễn đàn gần đây.

Chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ tập trung mạnh vào nỗ lực tập hợp các đồng minh NATO và phương Tây để hợp lực sức mạnh đối phó với các thách thức. Các đồng minh NATO, bao gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania đã bày tỏ mong muốn Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực đồng thời thúc đẩy nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở châu Âu. Hiện tại, hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine di tản sang các quốc gia này trong các tuần gần đây.

Trước đó, Tổng thống Biden thông báo bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia và tăng cường đối thoại an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương, hay còn gọi là Quad (liên minh 4 nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ). Kể từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Biden cho biết, chính sách ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc sẽ định hướng hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và thuyết phục Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullian và Cố vấn chính sách ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp gỡ đầu tuần này. Hai quan chức Mỹ và Trung Quốc đã dành thời gian thảo luận về các vụ thử tên lửa liên lục địa gần đây của Triều Tiên.

Giải quyết khủng hoảng năng lượng, vấn đề Iran

Chính quyền Tổng thống Biden đang tính đến nỗ lực nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela để tạo điều kiện cho nước này tăng xuất khẩu dầu giữa bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Venezuela hiện là một trong số những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và Tổng thống Biden muốn đảm bảo nguồn cung mặt hàng này sau gián đoạn nguồn cung từ dầu mỏ của Nga.

Trước đó, một số quan chức cấp cao Mỹ đã có chuyến thăm Venezuela giữa căng thẳng tiếp tục leo thang ở Ukraine. Venezuela hiện đang phải chịu lệnh cấm vận nặng nề của Mỹ. Đến hiện tại, ý tưởng nới lỏng trừng phạt của Mỹ với Venezuela đang vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của một số nghị sĩ Mỹ.

Thêm vào đó, nỗ lực giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng cũng khiến Mỹ cũng có các điều chỉnh chính sách ngoại giao với cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Một số quan chức Mỹ đã có chuyến thăm vùng Vịnh, kêu gọi Saudi Arabia bơm thêm dầu vào thị trường nhưng Saudi Arabia đã từ chối việc tăng nguồn cung dầu mỏ, trong khi UAE thì vẫn chưa đưa ra quyết định và nói sẽ bàn thêm với OPEC.

Về vấn đề Iran, theo các chuyên gia, động thái gần đây của Mỹ xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran đang bước vào "giai đoạn quyết định". Do đó, việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ còn phụ thuộc vào việc Mỹ và Iran có nắm bắt được cơ hội và tạo ra cơ hội cho hòa bình trong khu vực hay không.

Ngày 16/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói rằng vẫn còn hai vấn đề tồn tại với Mỹ trong các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington và Tehran đã ở gần tiến tới việc nhất trí khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), về việc hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, hai bên đã tiến tới gần một thỏa thuận tiềm năng cho dù vẫn chưa đạt được lúc này nhưng hy vọng các bất đồng có thể thu hẹp.

Từ tháng 4/2021, các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán để khôi phục JCPOA. Tiến trình đàm phán được đánh giá đang đi đến giai đoạn cuối. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là các bên đã "gần" đạt được thỏa thuận.

"Phần cuối của các cuộc đàm phán bao giờ cũng là lúc diễn ra các giai đoạn thảo luận khó khăn và thách thức nhất", bà Jen Psaki cho biết.

Kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Và chính sách định hướng của Mỹ đối với Iran vẫn có thể tiếp tục duy trì theo khả năng này.

Ít nhất đến hiện tại, cả đại diện của Mỹ và Iran hiện đang hy vọng các khác biệt có thể thu hẹp và thỏa thuận hạt nhân sẽ hồi phục trong thời gian tới./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chinh-sach-ngoai-giao-cua-my-truoc-tinh-hinh-moi-20220318145640204.htm