Chính sách nhà ở đối với công nhân lao động phải công bằng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Trước khi Kỳ họp khai mạc, các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri trên địa bàn, trong đó, có nhiều công nhân lao động.

Đây là dịp để các Đại biểu Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống, cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đảm bảo khả thi, sát thực tế…

Xung quanh những vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội để ghi nhận quan điểm.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, vừa qua, trong quá trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến công nhân lao động bày tỏ băn khoăn về quy định đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, không chỉ người lao động trong khu chế xuất mong muốn được hưởng chế độ nhà lưu trú, mà cả công nhân làm bên ngoài cũng mong muốn được hỗ trợ chính sách này. Ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến trên?

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, vừa qua, trong quá trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến công nhân lao động bày tỏ băn khoăn về quy định đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, không chỉ người lao động trong khu chế xuất mong muốn được hưởng chế độ nhà lưu trú, mà cả công nhân làm bên ngoài cũng mong muốn được hỗ trợ chính sách này. Ông nhìn nhận như thế nào về ý kiến trên?

- Tất cả những người công nhân, dù là công nhân tại các doanh nghiệp bên trong khu công nghiệp hay là công nhân làm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bên ngoài khu công nghiệp thì họ đều là những người lao động. Những người này thì thường là mức thu nhập không cao. Chính vì vậy, cần phải có chính sách nhà ở dành cho những người lao động có thu nhập không cao, kể cả mua nhà ở xã hội hay là thuê nhà lưu trú.

Những người lao động thì có 2 nhóm. Trong đó, một nhóm làm việc tập trung tại các khu công nghiệp. Cần phải có loại nhà ở dành cho công nhân đi liền với các khu công nghiệp, để công nhân yên tâm làm việc. Việc thiết kế tính năng, đặc điểm, vị trí… của khu nhà ở này phải phù hợp với khu công nghiệp đó. Ví dụ khu công nhân lao động phổ thông như may mặc, da giày… thì nhà ở cũng phải phù hợp với đối tượng là những công nhân lao động làm việc “chân tay”. Nhưng cũng có thể có những khu công nghệ cao thì công nhân ở đó làm việc trong môi trường khác, có thể khu nhà ở cũng cần xây dựng theo tiêu chí khác…

Còn đối với những công nhân lao động ở bên ngoài khu công nghiệp thì người ta cũng có nhu cầu được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Trên thực tế chúng ta vẫn đang có chính sách song hành giữa những người công nhân đang làm trong khu công nghiệp và kể cả người lao động làm bên ngoài khu công nghiệp, có thu nhập thấp. Chính sách đối xử với họ là công bằng và mức giá cho công nhân lao động thuê nhà lưu trú cũng phải phù hợp với mức sống và thu nhập của người lao động, giá thuê phải thấp hơn so với mặt bằng chung thuê nhà ở bên ngoài.

+ Nhà nước đã ban hành gói chính sách 120.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội, tuy nhiên, theo phản ánh, công nhân rất khó tiếp cận với nguồn vay trên. Các ngân hàng yêu cầu công nhân phải trực tiếp đến trụ sở để được hướng dẫn. Đặc thù của công nhân rất khó để xin được nghỉ một ngày ra ngân hàng, nếu nghỉ sẽ bị “trừ đủ thứ”. Hơn nữa, nếu xin nghỉ được cũng chưa hẳn đã hỏi được thông tin, bởi trình độ của công nhân cũng khác nhau. Do đó, cử tri mong rằng, các ngân hàng nhanh chóng có chương trình cụ thể triển khai đến các công đoàn để hỗ trợ cho công nhân hiểu và tiếp cận gói hỗ trợ nếu đủ điều kiện. Quan điểm của Đại biểu ra sao?

- Đúng là rất cần tổ chức công đoàn đại diện, đứng ra hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, quan hệ “cho vay – vay” giữa ngân hàng và người lao động là quan hệ dân sự - người lao động phải trực tiếp thực hiện ký các cam kết, thỏa thuận đó; chứ không thể là doanh nghiệp đại diện cho người lao động đứng ra ký kết.

Mặc dù vậy, công đoàn có thể làm các công việc như đến ngân hàng tìm hiểu thông tin, thủ tục, rồi về phổ biến, hướng dẫn, giúp người lao động tiếp cận các thông tin đó, để họ hiểu được chính sách; và khi người lao động đến ngân hàng thực hiện các cam kết, thỏa thuận thì sẽ biết được mình cần mang theo giấy tờ gì, thủ tục hồ sơ ra sao… Như vậy sẽ giảm bớt được thời gian.

Hỗ trợ ở đây tức là hỗ trợ về mặt thông tin, hướng dẫn thủ tục, chứ doanh nghiệp hoặc công đoàn không thể thay mặt người lao động đến làm việc, ký kết với ngân hàng được.

+ Một số cử tri cũng kiến nghị, ngoài việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cần bổ sung quy định “người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động”, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?

- Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì chắc chắn phải xử lý bằng 2 biện pháp. Thứ nhất, xử phạt bằng kinh tế. Thậm chí, theo quy định hiện nay, nếu doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà vi phạm ở mức độ nghiêm trọng thì còn bị xử lý hình sự.

Thứ hai, đương nhiên doanh nghiệp đó phải nộp bù số tiền đã “trốn” đóng bảo hiểm xã hội, để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Số tiền này phải đóng vào cơ quan bảo hiểm, chứ không phải là doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động rồi đưa trả lại tiền cho người lao động.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

Kiến nghị ổn định việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn

Ngày 10/5, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó nhấn mạnh, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Cử tri và nhân dân cũng ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát…

Phản ánh về những băn khoăn của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân; kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)… và quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-sach-nha-o-doi-voi-cong-nhan-lao-dong-phai-cong-bang-post247230.html