Chính sách nới lỏng tiền tệ là động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam có triển vọng duy trì xu hướng nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Các ngân hàng trung ương lớn như Fed và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều đang hướng tới mục tiêu này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ không chỉ hỗ trợ nền kinh tế trong ngắn hạn, mà còn giúp duy trì môi trường lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.
Nới lỏng tiền tệ tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam
Thị trường chứng khoán (TTCK) ở các quốc gia giảm lãi suất phần lớn đã tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, TTCK vẫn chưa hưởng lợi nhiều. Ngành ngân hàng, với vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chiếm gần 40% vốn hóa thị trường cùng 60% lợi nhuận, là trụ cột quyết định xu hướng thị trường.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế để phát triển hơn nữa TTCK, nhiều chính sách đã được đề xuất và áp dụng. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách nới lỏng tiền tệ.
Với xu hướng toàn cầu đang dần dịch chuyển sang nới lỏng tiền tệ, các ngân hàng trung ương lớn như Fed và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều hướng tới mục tiêu này nhằm kích thích kinh tế. Việt Nam, cũng theo xu hướng này, sẽ tiếp tục duy trì và có thể mở rộng chính sách nới lỏng khi cần thiết.
Chính sách này sẽ góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới và môi trường lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế ổn định.
Đánh giá về việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia và những mặt tích cực cho Việt Nam, ông Trịnh Viết Hoàng Minh - Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, mục tiêu chính của chính sách nới lỏng tiền tệ là làm cho việc vay mượn trở nên dễ dàng và chi phí thấp hơn, từ đó khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, nếu nới lỏng tiền tệ quá mức, nguy cơ lạm phát có thể tăng cao, dẫn đến việc ngân hàng trung ương phải áp dụng chính sách thắt chặt, nhằm ổn định giá cả thông qua các biện pháp như tăng lãi suất và giảm cung tiền.
Thực tế, việc nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ thường được điều chỉnh dựa trên tình hình kinh tế cụ thể của từng giai đoạn. Hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tiến tới chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Dữ liệu của tổ chức phân tích tài chính Max Fomaiko cho thấy, tỷ lệ các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất tăng lên đáng kể kể từ tháng 8/2024, trong khi tỷ lệ tăng lãi suất giảm. Đến tháng 11/2024, hơn 70% ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế hiện tại có khả năng duy trì xu hướng nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Với tỷ lệ nợ công trên GDP giảm và thâm hụt ngân sách ổn định, Việt Nam có nhiều dư địa để tăng đầu tư công nhằm kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có thể linh hoạt trong điều chỉnh chính sách tiền tệ, thậm chí mở rộng nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, khi áp dụng chính sách tiền tệ, Việt Nam cũng cần cân nhắc đến tỷ giá vì tác động của lãi suất đồng USD. Hiện tại, chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và đồng USD đang có xu hướng giảm, dự kiến sẽ chuyển về mức dương vào giữa năm 2025 khi Fed tiếp tục giảm lãi suất. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa linh hoạt trong điều tiết tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới.
Động lực dài hạn cho ngành ngân hàng
Nhận định về ngành ngân hàng nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng, ông Cao Việt Hùng - Giám đốc phân tích Tài chính của ACBS cho biết, hiện nay, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed và Ngân hàng Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng toàn cầu này.
Một trong những biện pháp nới lỏng nổi bật là việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đạt 9% so với đầu năm và 16% so với cùng kỳ năm ngoái vào cuối tháng 9/2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhu cầu thực tế của nền kinh tế, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhanh chóng. Kỳ vọng chính sách nới lỏng này sẽ tiếp tục trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% đến 7,5%.
Trong năm 2025, dự kiến tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao, khoảng 14-15%, tương tự năm 2024, trong khi các ngân hàng niêm yết có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16-17%. Tuy nhiên, cung tiền tăng trưởng chậm hơn đã gây ra căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng, do áp lực tỷ giá và lãi suất USD duy trì cao ở mức 5% từ Fed, làm giảm dòng vốn ngoại quay lại Việt Nam.
Để ổn định thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết trên thị trường liên ngân hàng. Đồng thời, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế, với kỳ hạn 12 tháng hiện còn thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Mặc dù tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có cải thiện từ đáy năm 2023, nhưng chưa trở lại mức đỉnh như thời kỳ Covid-19, cho thấy thị trường đầu tư, đặc biệt bất động sản chưa sôi động, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng trong quý III.
Một phần nguyên nhân giảm lợi nhuận là tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) giảm xuống 3,4%, chịu ảnh hưởng từ yêu cầu giải ngân tín dụng và cạnh tranh lãi suất vay giữa các ngân hàng, đặc biệt với các khoản vay ngắn hạn chiếm 60% tổng dư nợ tín dụng, có lãi suất chỉ từ 5-7%. Bên cạnh đó, các gói ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 cũng sẽ tác động đến NIM của toàn ngành trong quý IV/2024, trước khi phục hồi về mức 3,5% vào năm 2025...
Có thể nói, ngành Ngân hàng đối mặt với thách thức nhưng cũng có cơ hội, với tăng trưởng tín dụng dự kiến duy trì ở mức 14-15% trong năm 2025, đóng vai trò là động lực chính cho kinh tế. Tuy mặt bằng định giá cổ phiếu chưa có đột phá, chất lượng tài sản của ngành đang cải thiện, tình hình nợ xấu được kỳ vọng tốt hơn khi chính sách nới lỏng tiếp tục và thị trường bất động sản hồi phục. Các yếu tố quốc tế như lạm phát tại Mỹ và xung đột địa chính trị cũng là những rủi ro cần theo dõi./.