Chính sách, pháp luật nhân văn đối với người lao động trên thế giới

Trong một thế giới biến động không ngừng, quyền lợi của người lao động ngày càng được các Chính phủ quan tâm, bảo vệ, tạo ra những chiếc 'khiên' pháp lý vững chắc giúp họ an tâm làm việc và cống hiến.

Chính sách, pháp luật nhân văn đối với người lao động trên thế giới

Chính sách, pháp luật nhân văn đối với người lao động trên thế giới

Anh: Người lao động có thể kiện giới chủ nếu bị xúc phạm tại nơi làm việc

Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Anh đưa ra dự luật Bảo vệ người lao động, trong đó cho phép các nhân viên cửa hàng, quầy bar hay bác sĩ kiện người sử dụng lao động nếu họ bị khách hàng, người dân xúc phạm tại nơi làm việc. Theo Telegraph, dự luật Bảo vệ người lao động sẽ buộc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm nếu nhân viên bị “bên thứ ba” quấy rối, chẳng hạn như khách hàng hoặc người dân. Nó đưa ra yêu cầu pháp lý đối với các công ty và cơ quan công quyền phải thực hiện “tất cả các bước hợp lý” nhằm ngăn chặn điều này.

Chẳng hạn, các quy tắc chống quấy rối mới được ghi trong dự luật sẽ cho phép các bác sĩ kiện Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) nếu bệnh nhân xúc phạm họ, cho phép nhân viên quán bar khởi kiện chủ quán nếu họ bị khách hàng say rượu lăng nhục, hay nhân viên pha chế có thể đưa chủ quán cà phê ra tòa nếu họ tình cờ nghe được những nhận xét xúc phạm của khách hàng đối với mình.

Người sử dụng lao động sẽ chỉ được bảo vệ khỏi yêu cầu bồi thường nếu có bốn điều kiện được đáp ứng đồng thời. Cụ thể, người sử dụng lao động sẽ phải chứng minh rằng, nhận xét xúc phạm mà nhân viên của họ nghe lỏm được không nhằm vào họ, là không cố ý, bày tỏ “quan điểm về chính trị, tôn giáo hoặc các vấn đề xã hội” và không xúc phạm hoặc khiếm nhã quá mức.

Thái Lan: Có luật lao động mới về sắp xếp việc làm tại nhà

Tháng 1.2023, Quốc hội Thái Lan thông qua dự luật sửa đổi Luật Bảo vệ người lao động (sửa đổi), trong đó có điều khoản bổ sung về làm việc tại nhà nhằm phản ánh đúng thực tiễn hiện nay. Cụ thể là, chủ lao động và người lao động “có thể đồng ý trong hợp đồng lao động” rằng nhân viên được phép “mang việc… về nhà, nơi ở của người lao động hoặc bất kỳ nơi nào mà người lao động có thể làm việc từ xa thông qua công nghệ thông tin nếu tính chất công việc cho phép”.

Luật Bảo vệ người lao động (sửa đổi) trao cho người lao động làm việc tại nhà quyền từ chối liên lạc từ người sử dụng lao động hoặc người giám sát ngoài giờ làm việc. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải đối xử bình đẳng với nhân viên làm từ xa với nhân viên làm việc tại chỗ.

Mỹ: Doanh nghiệp phải minh bạch khi tuyển lao động

Các doanh nghiệp có tối thiểu 15 nhân viên sẽ cần đưa những thông tin sau vào mỗi tin tuyển dụng: phạm vi lương hoặc thang lương; mô tả chung về tất cả các lợi ích được cung cấp; đưa ra các khoản bồi thường… Trong tháng 1.2023, luật yêu cầu các công ty đăng mức lương trong mô tả việc làm đã có hiệu lực ở các bang California và Washington. Quy tắc tương tự cũng được đưa ra ở thành phố New York và bang Colorado. Các nhà lập pháp thông qua quy định này với nhận định tính minh bạch sẽ giúp giảm cách biệt tiền lương.

Tây Ban Nha: Tăng quyền lợi cho người lao động

Tháng 9.2022, một dự luật mới ở Tây Ban Nha đã được đưa ra nhằm tăng cường và chăm sóc quyền lợi tốt hơn cho người lao động làm các công việc vốn bị nhiều người đánh giá thấp. Cụ thể, dự luật lần đầu tiên cho phép hàng trăm nghìn người làm công việc dọn dẹp và chăm sóc người già, tàn tật, người ốm… có quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp và nhiều biện pháp bảo vệ việc làm khác. Dự kiến, nó sẽ được thông qua và có hiệu lực vào tháng 10 tới.

Các công đoàn và tập thể người lao động làm công việc giúp việc gia đình từ lâu đã vận động cho dự luật trên. Họ lập luận, hầu hết những người làm công việc dọn dẹp và chăm sóc không có bảo hộ lao động hoặc bảo hộ xã hội và thường phải làm việc tới 60 giờ/tuần. Trong khi đó, số giờ làm việc trung bình ở Tây Ban Nha chưa đầy 40 giờ/tuần.

Chiếc “khiên” bảo vệ toàn diện

Chiếc “khiên” bảo vệ toàn diện

Kenya: Quyền được ngắt kết nối của người lao động

Việc chuyển sang làm việc từ xa đã làm mờ ranh giới giữa cuộc sống gia đình và công việc đối với nhiều người, khiến họ phải trả lời các cuộc gọi, tin nhắn và email mọi lúc. Điều này đã khiến nhiều quốc gia xem xét luật để bảo vệ “quyền ngắt kết nối”.

Kenya là quốc gia mới nhất và là quốc gia châu Phi đầu tiên xem xét động thái như vậy. Dự luật Nhân viên (sửa đổi) được đề xuất nhằm ngăn chặn người sử dụng lao động mong muốn nhân viên trả lời cuộc gọi, tin nhắn văn bản hoặc email ngoài giờ làm việc, vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Dự luật sẽ yêu cầu các công ty có hơn 10 nhân viên tham khảo ý kiến của nhân viên hoặc công đoàn về các chính sách ngoài giờ làm của họ. Và họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 4.000 USD nếu vi phạm các quy tắc.

Ngoài Kenya, Bỉ cũng thông qua luật tương tự từ tháng 2.2022, cho phép người lao động tắt email công việc, tin nhắn và cuộc gọi điện thoại nhận được ngoài giờ làm việc mà không sợ bị trả thù.

Trong khi đó, Pháp là nước tiên phong, đã ban hành luật vào tháng 8.2016 cho phép nhân viên tắt điện thoại và các thiết bị khác ngoài giờ làm việc quy định. Liên minh châu Âu (EU) cũng định nghĩa quyền ngắt kết nối là “quyền của người lao động được ngừng làm việc và không tham gia vào các hoạt động liên lạc điện tử liên quan đến công việc ngoài giờ làm việc”. Và trong khi quyền này chưa được chuyển thành luật chung của EU, một nghị quyết được thông qua vào tháng 1.2021 đã kêu gọi EU đưa ra Chỉ thị liên quan.

Đức: Tăng cường bảo vệ lao động nhập cư

Trong nỗ lực khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Chính phủ Đức đã đơn giản hóa các quy định tuyển dụng công dân ngoài EU thông qua việc soạn thảo Dự luật Nhập cư dành cho lao động lành nghề. Lâu nay, công dân nước ngoài chọn Đức làm nơi làm việc và cư trú cho rằng, việc bảo vệ chống bóc lột lao động và phân biệt đối xử là những mối lo ngại mà họ liên tục phải đối mặt.

Thực tế, hệ thống pháp luật Đức khá chặt chẽ trong việc bảo vệ lao động nhập cư. Có thể kể đến Luật Tiền lương tối thiểu, trong đó quy định mức lương tối thiểu 12 euro mỗi giờ (trước thuế và các khoản phí khác) là bắt buộc đối với nhân viên từ 18 tuổi trở lên. Điều này bao gồm những người lao động thời vụ, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Ngoài ra, Luật Về giờ làm việc xác định thời hạn hợp pháp tối đa của một ngày làm việc, quy định thời gian nghỉ giải lao và nghỉ ngơi. Theo luật, thời gian làm việc được giới hạn hợp pháp trong 8 giờ một ngày và 6 ngày một tuần, tối đa hàng tuần là 48 giờ. Trong khi đó, Luật Đối xử bình đẳng chung chống nạn phân biệt đối xử chủng tộc, nguồn gốc dân tộc, giới tính, tình trạng khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng hay triết lý sống, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục của họ…

Chile: Giảm số giờ làm việc trong tuần từ 45 xuống 40 giờ/tuần

Ngày 11.4, Hạ viện Chile thông qua dự luật với nội dung trên sau khi được Thượng viện thông qua hôm 21.3. Theo dự luật, quá trình giảm giờ làm sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn. Năm đầu tiên, tuần làm việc sẽ giảm xuống còn 44 giờ; năm thứ ba là 42 giờ và năm thứ 5 là 40 giờ. Các công ty có thể giảm số giờ làm việc trước mà không cần tuân theo lịch trình này.

Dự luật cũng ngăn các doanh nghiệp Chile giảm lương của người lao động do thay đổi số giờ làm đồng thời “bật đèn xanh” để người lao động chuyển sang 4 ngày làm việc/tuần. Các quốc gia Mỹ Latin thuộc nhóm có giờ làm việc theo tuần cao nhất trên thế giới. Một số nước như Peru, Argentina, Mexico và Panama duy trì 48 giờ làm việc/tuần, trong khi Brazil là 44 giờ làm việc/tuần.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chinh-sach-phap-luat-nhan-van-doi-voi-nguoi-lao-dong-tren-the-gioi-i326082/