Chính sách táo bạo của tân Tổng thống Hàn Quốc
Một tháng sau nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung tuyên bố sẽ thực hiện một chính sách tài khóa 'táo bạo và chủ động' nhằm khôi phục lòng tin của người dân và đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời khẳng định vai trò không thể thay thế của chính phủ lúc này trong việc điều phối, kích thích và định hướng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đi đúng hướng trở lại.
Vực dậy sau cơn khủng hoảng thiết quân luật
Ông Lee Jae-myung nhậm chức ngày 4/6 sau cuộc bầu cử bất thường, trong bối cảnh đất nước Hàn Quốc vừa trải qua một “cuộc khủng hoảng quốc gia” chưa từng có tiền lệ. Người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol, ban bố thiết quân luật vào tháng 12 năm ngoái, khiến đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn trầm trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung (phải) phát biểu trong cuộc họp báo tại Văn phòng Tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/7. Ảnh Reuters
Động thái thiết quân luật đã làm lung lay lòng tin của người dân, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, hoạt động đầu tư cũng như niềm tin tiêu dùng. Trong bài phát biểu ngày 3/7 tại cuộc họp báo đánh dấu 30 ngày nhậm chức, Tổng thống Lee nhấn mạnh rằng: “Giờ đây, vai trò chủ động và táo bạo của tài chính quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.
Để kích thích tiêu dùng trong nước và hỗ trợ các ngành kinh tế đang gặp khó khăn, chính phủ của ông Lee đã đề xuất một gói chi tiêu bổ sung trị giá 14,7 tỷ USD. Dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội, nơi Đảng Dân chủ của ông Lee đang nắm quyền kiểm soát, thông qua trong thời gian tới. Đây được xem là một trong những biện pháp cấp thiết nhằm chống lại đà suy giảm kinh tế do khủng hoảng chính trị và sức ép từ bên ngoài, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế quan của Mỹ và căng thẳng leo thang với Triều Tiên.
Rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ
Bên cạnh các vấn đề trong nước, Tổng thống Lee cũng đang đối mặt với một thách thức lớn khác như cuộc đàm phán thương mại căng thẳng với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp đặt mức thuế trừng phạt đối với các sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc, bao gồm bán dẫn, ôtô và thép - những ngành đóng vai trò xương sống trong mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước này. “Các cuộc đàm phán không hề dễ dàng. Chúng tôi đang nỗ lực đạt được một kết quả cùng có lợi và bền vững, nhưng hiện tại chưa thể chắc chắn liệu có thể đạt được thỏa thuận trước thời hạn 8/7 mà Washington đặt ra hay không”, ông Lee thẳng thắn chia sẻ.
Trong các cuộc đối thoại thương mại cấp cao diễn ra hồi tháng trước, phía Mỹ đã đề nghị Hàn Quốc phá bỏ các rào cản phi thuế quan, trong bối cảnh Seoul đang áp dụng mức thuế gần như bằng 0 đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhờ hiệp định thương mại tự do. Điều này, theo Mỹ, gây ra sự mất cân bằng trong cán cân thương mại song phương. Đặc phái viên thương mại Hàn Quốc, ông Yeo Han-koo, cho biết Seoul đang tích cực làm việc để đảm bảo không rơi vào thế bất lợi khi các quốc gia khác bước vào các cuộc đàm phán quyết định vào phút chót với Washington.
Giữ vững liên minh, mở rộng đối thoại
Mặc dù nhấn mạnh rằng liên minh với Mỹ vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc, Tổng thống Lee cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy một cách tiếp cận thực dụng hơn, đặc biệt là với các cường quốc khu vực như Trung Quốc và Nga. Điều này đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt so với lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Yoon Suk-yeol, người chủ trương tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và giữ khoảng cách với Bắc Kinh và Moscow. “Chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ dựa trên lợi ích thực tế và đối thoại cởi mở, thay vì chỉ dựa vào các khối đối đầu truyền thống”, ông Lee phát biểu.
Một trong những điểm nhấn lớn nhất trong bài phát biểu của Tổng thống Lee là tầm quan trọng của hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cho biết việc duy trì hòa bình không chỉ là ưu tiên trong chính sách an ninh mà còn là điều kiện cần thiết để bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo ông Lee, căng thẳng với Bình Nhưỡng đã tạo ra “tác động tiêu cực thực sự” đối với nền kinh tế Hàn Quốc, bất chấp việc Seoul sở hữu năng lực quân sự vượt trội. “Ngay cả khi bạn đang trong tình trạng chiến tranh, bạn vẫn phải có ngoại giao và đối thoại. Việc cắt đứt hoàn toàn liên lạc thực sự là điều ngu ngốc”, tân Tổng thống Hàn Quốc nhận định.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Lee đã có bước đi quan trọng khi đình chỉ các chương trình phát thanh tuyên truyền qua biên giới, một hành động được phía Triều Tiên đón nhận bằng phản ứng nhanh chóng và tích cực. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục có các động thái nhằm giảm căng thẳng và mở lại kênh đối thoại liên Triều vốn đã bị đóng băng trong những năm gần đây.
Dưới thời ông Yoon, một thỏa thuận quân sự ký năm 2018 giữa hai miền nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột đã bị hủy bỏ, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự dọc khu vực phi quân sự. Ông Lee cam kết sẽ từng bước khôi phục các kênh liên lạc, tăng cường tiếp xúc ngoại giao và thúc đẩy các chương trình hợp tác nhân đạo.
Như vậy, chỉ sau một tháng nhậm chức, Tổng thống Lee Jae-myung đã thể hiện rõ ràng định hướng chính trị, kinh tế và đối ngoại của mình, đó là một chính phủ hành động mạnh mẽ, tài khóa mở rộng, đối thoại trong khuôn khổ thực dụng và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia.
Mặc dù vẫn còn thách thức đang ở phía trước, từ nguy cơ suy giảm thương mại với Mỹ đến những biến động khó lường từ Triều Tiên, lập trường mềm dẻo nhưng kiên quyết của ông Lee đang mang lại kỳ vọng mới cho một Hàn Quốc ổn định và phát triển hơn. Người dân và cộng đồng quốc tế giờ đây đang theo dõi sát sao hành trình của Tổng thống Lee, không chỉ để xem liệu ông có thể đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng hay không, mà còn để chứng kiến cách một nhà lãnh đạo mới định hình lại vai trò của Hàn Quốc trong một trật tự khu vực đang thay đổi nhanh chóng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/chinh-sach-tao-bao-cua-tan-tong-thong-han-quoc-i773673/