Chính sách thực dụng của Iran ở Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ

VOV.VN -Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ giữa lúc Iran đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cả trong nước và quốc tế. Điều này buộc Tehran phải có chính sách thực dụng hơn để 'cứu vãn' ảnh hưởng ở Syria.

Chính quyền của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế, bao gồm cả tình trạng cắt điện do thiếu nguồn cung cấp dầu, căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân và những tranh cãi xunh quanh luật mới theo đó tăng nặng hình phạt đối với phụ nữ không đội khăn trùm đầu.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các nhà lãnh đạo Iran là suy giảm ảnh hưởng đột ngột ở Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Tehran năm 2019. Ảnh: SANA

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Tehran năm 2019. Ảnh: SANA

Thời thế thay đổi, chính sách thay đổi

Tehran đang cố gắng “cứu vãn” ảnh hưởng của mình bằng mối quan hệ với phe nổi dậy ở Syria – hiện là lãnh đạo mới ở Damascus.

Các nhà ngoại giao Iran công khai thừa nhận rằng từ lâu họ không còn đặt nhiều niềm tin vào Tổng thống Bashar al-Assad khi ông từ chối những thỏa hiệp cần thiết.

Ngoại trưởng Iran, Abbas Araghchi, trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã nhận ra rằng việc ông Assad tiếp tục cầm quyền ở Syria sẽ phải đối mặt với một thách thức cơ bản. Các quan chức chính phủ được kỳ vọng sẽ thể hiện sự linh hoạt bằng việc cho phép phe đối lập tham gia nắm quyền, nhưng điều đó đã không xảy ra”.

Ông Araghchi cũng nhấn mạnh rằng Iran luôn duy trì liên lạc với các phe đối lập ở Syria từ năm 2011 đã đề xuất đàm phán chính trị với các nhóm đối lập không có quan hệ với khủng bố.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định rằng việc nước này đưa lực lượng tới Syria năm 2012 là theo yêu cầu của Tổng thống Assad nhằm giúp đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự hiện diện của Iran tại Syria cũng chỉ mang tính chất cố vấn và không nhằm bảo vệ bất kỳ cá nhân hay nhóm nào cụ thể, mà tập trung vào việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định của Syria.

Iran cũng không ngừng cảnh báo về ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Nhiều quan chức Iran cho rằng chiến thắng hiện tại mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tận hưởng ở Syria sẽ không kéo dài vì lợi ích của Ankara sẽ bắt đầu tách khỏi chính phủ do HTS lãnh đạo, một nhóm có nguồn gốc từ al-Qaeda và bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Giáo chủ Hồi giáo Iran Naser Makarem Shirazi nhận định, “thời kỳ trăng mật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng nổi dậy tại Syria sẽ không kéo dài”. Các nhóm tại Syria, cùng với chủ nghĩa Salafi, vấn đề kinh tế và sự thiếu ổn định sẽ dẫn đến sự tan rã của mối quan hệ này.

Dù vậy, những lời giải thích hay những cảnh báo của Iran này dường như không thể làm thay đổi thái độ của những người đang nắm quyền lãnh đạo ở Damascus. Iran vẫn là một trong số ít quốc gia bị Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – nhóm lãnh đạo cuộc tấn công lật đổ chính quyền Assad, chỉ trích.

Chìa khóa để duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông

Về mặt chính thức, Iran đổ lỗi cho Mỹ và Israel về sự sụp đổ của Assad, nhưng Tehran cũng chỉ trích vai trò của Ankara trong việc thay đổi tình hình tại Syria.

Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại của Iran đặt câu hỏi liệu HTS có tiếp tục là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài hay không. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một trong những bên hưởng lợi trong việc chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ, nhưng Ankara không bao giờ có thể đưa một chính phủ liên kết với mình lên nắm quyền ở Syria. Ngay cả khi HTS cố gắng thành lập một chính phủ ổn định ở Syria, thì trong trung hạn, nó sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung đường biên giới dài 830 km với Syria.

Mohsen Baharvand, cựu đại sứ Iran tại Anh, cho rằng chính quyền mới ở Damascus có thể sẽ bị phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu chính quyền trung ương Syria cố gắng củng cố quyền lực thông qua sự can thiệp quân sự và hỗ trợ từ các nước ngoài – bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ – thì Syria, hoặc các phần quan trọng của Syria, sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, và chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể rơi vào tình trạng sa lầy mà họ sẽ phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và kinh tế”, ông Baharvand nhận định.

Ông Baharvand dự đoán sẽ có căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và HTS về vấn đề người Kurd ở Đông Bắc Syria.

Quân đội Quốc gia Syria (SNA), được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, được cho là đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công chống lại Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo ở Kobani, một thị trấn Syria có đa số người Kurd ở biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Fidan, vẫn khẳng định nếu vấn đề người Kurd được giải quyết hợp lý, Ankara sẽ không can thiệp quân sự.

Tình hình phức tạp ở Syria, với khả năng can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều yếu tố khác, buộc Iran phải đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại để giữ vững ảnh hưởng trong khu vực.

Vấn đề hiện nay là với sự suy yếu của “trục kháng chiến”, Iran sẽ lựa chọn thay đổi chiến lược như thế nào? Theo hướng trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hay củng cố ảnh hưởng bằng cách cải thiện các mối quan hệ trong khu vực.

Suốt nhiều năm, giới lãnh đạo Iran cho rằng, “việc bảo vệ Iran phải bắt đầu từ bên ngoài biên giới” nước này. Nhưng chiến lược này cũng phải đói mặt với nhiều nguy cơ khi xảy ra một cơn “địa chấn chính trị”. Việc bảo vệ Iran từ Syria nếu chỉ phụ thuộc vào chính quyền Assad, sẽ mất đi khi chính quyền đó không còn tồn tại. Một chiến lược mới mẻ, linh hoạt và thực dụng sẽ là chìa khóa giúp Iran bảo vệ ảnh hưởng của mình, không chỉ ở Syria mà còn trên toàn bộ Trung Đông.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-sach-thuc-dung-cua-iran-o-syria-sau-khi-chinh-quyen-assad-sup-do-post1143643.vov