Chính sách thuế của Mỹ: Châu Âu cân nhắc phản ứng - Đức kêu gọi hành động thống nhất toàn khối

Ngày 3/4, các nhà lãnh đạo châu Âu đã chỉ trích mức thuế quan mới của Mỹ, đồng thời khẳng định sẵn sàng đáp trả, song vẫn để ngỏ cánh cửa cho đàm phán.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, coi mức thuế này là "đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới", khẳng định khối này đang "chuẩn bị các biện pháp đối phó tiếp theo".

Phát biểu trong chuyến thăm Uzbekistan, bà von der Leyen nêu rõ: "Không có con đường rõ ràng nào để vượt qua sự phức tạp và hỗn loạn này, khi tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đều bị ảnh hưởng". Tuy nhiên, bà cho biết "chưa quá muộn để giải quyết các mối quan ngại thông qua đàm phán".

Châu Âu cũng lo ngại rằng mức thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa giá rẻ từ các nước khác tràn vào. Bà von der Leyen khẳng định EU sẽ "theo dõi chặt chẽ những tác động gián tiếp mà các mức thuế quan này có thể gây ra" và cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp của châu lục này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Anh, ông Jonathan Reynolds, cho biết tuy Anh bị áp mức thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) nhưng nền kinh tế mở của nước này vẫn dễ bị tổn thương trước nguy cơ suy thoái toàn cầu và cuộc chiến thương mại do chính sách thuế của Mỹ với các nước khác.

Phát biểu trên đài phát thanh Times Radio, ông Reynolds cho biết thay vì trả đũa, Anh sẽ tăng cường nỗ lực để có được các điều khoản thương mại tốt hơn với Mỹ, chẳng hạn việc đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như công nghệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Reynolds nhấn mạnh vẫn có thể đáp trả thuế quan nếu cần.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng coi mức thuế quan mới là "sai lầm" và cho biết EU sẽ làm mọi cách có thể "để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại làm suy yếu phương Tây”. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thông báo kế hoạch gặp Ủy viên thương mại của EU Maros Sefcovic tại Brussels (Bỉ) trong ngày 3/4 để thảo luận cách thức phản ứng "dựa trên cách tiếp cận thực dụng và dựa trên đối thoại".

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập tất cả đại diện của các ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu của Mỹ đến Điện Elysee vào cuối ngày 3/4 để thảo luận biện pháp ứng phó.

Chủ tịch nhóm xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh Pháp (FEVS), ông Gabriel Picard, nhận định mức thuế 20% đối với đồ uống của EU là quá lớn và dự báo doanh số bán rượu vang và rượu mạnh của Pháp sẽ giảm ít nhất 20% tại Mỹ do mức thuế đối ứng mới.

Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của rượu vang và rượu mạnh Pháp. Lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng 5% vào năm 2024 lên 3,8 tỷ euro (4,12 tỷ USD). Ông Picard cho biết thêm rằng: "Mức thuế mới sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các công ty đồ uống Pháp tại Mỹ... đồng thời cũng tác động không nhỏ đến người tiêu dùng Mỹ".

Về phần mình, Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết chính phủ sẽ nhanh chóng quyết định các bước tiếp theo sau khi nước này bị đánh thuế 31%. Ông nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do thương mại.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck kêu gọi EU đưa ra phản ứng thống nhất đối với thuế quan mà Mỹ áp đặt.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ông Habeck nhấn mạnh: "Sức mạnh của châu Âu là sức mạnh chung. Chúng ta có thị trường chung lớn nhất thế giới và phải tận dụng sức mạnh này". Ông cho biết thêm EU "luôn thúc đẩy đàm phán thay vì đối đầu" nhưng nếu Mỹ không muốn có một giải pháp đàm phán, khối này sẽ "đưa ra phản ứng cân bằng, rõ ràng và kiên quyết".

Bộ trưởng Habeck chỉ trích việc Mỹ áp đặt thuế quan mới, gây thiệt hại kinh tế to lớn trên toàn thế giới. Đề cập đến việc Tổng thống Donald Trump sử dụng thuật ngữ "Ngày Giải phóng" để nói đến thuế quan mới, ông Habeck cho rằng "đối với người tiêu dùng ở Mỹ, ngày đó sẽ không phải là Ngày Giải phóng, mà là Ngày Lạm phát".

Cũng trong ngày 3/4, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cho biết: "Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các đối tác của mình và tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới thương mại. Bây giờ là lúc phê chuẩn các thỏa thuận với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Mexico và tiến hành đàm phán quyết định với Ấn Độ và các đối tác quan trọng khác".

EU đã kết thúc khoảng 20 năm đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với MERCOSUR vào tháng 12/2024, nhưng thỏa thuận này vẫn cần được ít nhất 15 trong số 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

Bích Liên - Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-sach-thue-cua-mychau-au-can-nhac-phan-ungduc-keu-goi-hanh-dong-thong-nhat-toan-khoi-20250403180302098.htm