Chính sách thuế mới của Mỹ và tác động đến doanh nghiệp thép Việt Nam
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ các sản phẩm thép và nhôm vào nước này làm dấy lên lo ngại đối với mảng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên nhiều đơn vị phân tích đánh giá sự ảnh hưởng này là không lớn.
![Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_595_51461263/78d8d238e2760b285267.jpg)
Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Phát
Trong báo cáo phát hành ngày 11/2, Chứng khoán SSI cho rằng đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này. Mức thuế mới thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ.
Khối nghiên cứu và phân tích của FIDT (Công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản), trong báo cáo công bố ngày 11/2, đánh giá sự kiện đánh thuế của Mỹ có tác động tiêu cực đến ngành thép Việt Nam nhưng không quá lớn.
Theo dữ liệu của FIDT, tuy có xu hướng tăng dần nhưng tỷ trọng xuất khẩu thép Việt Nam đi Mỹ chiếm tỷ trọng không quá lớn, khoảng 14% trong 2024. Mức đóng góp doanh thu từ thị trường này của các doanh nghiệp lớn như sau: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) 1,5%, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) 9%, Tôn Đông Á (GDA) 10,5%, Thép Nam Kim (NKG) 15%.
Mặt khác, trong chu kỳ trước, khi Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép, giá thép có diễn biến khá tích cực khi các nhà phân phối bên Mỹ có xu hướng tăng cường nhập khẩu trong thời gian thuế chưa có hiệu lực. Về dài hạn giá thép vào Mỹ cũng sẽ có xu hướng tăng lên để bù đắp mức thuế tăng thêm. FIDT kỳ vọng, xu hướng này sẽ tiếp tục lặp lại trong giai đoạn tới, qua đó hỗ trợ giá bán đầu ra cho các doanh nghiệp ngành thép.
Trong quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế của nhóm thép ở mức thấp nhất 5 quý gần đây, do tình trạng dư cung ở Trung Quốc làm cho giá thép đầu ra liên tục giảm từ tháng 4/2024 đến nay.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_595_51461263/5df7e417d4593d076448.jpg)
Nhìn chung trong năm 2025, FIDT cho rằng ngành thép đối mặt với rất nhiều thách thức như tình trạng dư cung ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn khiến cho giá bán đầu ra liên tục giảm và neo ở mức thấp, Mỹ đánh thuế mạnh các sản phẩm từ thép ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đơn vị phân tích vẫn đánh giá khả quan với triển vọng ngành nhờ nhu cầu cao của thị trường tiêu thụ nội địa. Điều này đến từ các yếu tố: Bất động sản phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công, chính sách phòng vệ thương mại giảm bớt áp lực từ thép Trung Quốc. FIDT ước tính 2025, mức tiêu thụ nội địa khoảng 21 triệu tấn thép, tăng 10% so với năm 2024.
Ngày 10/2 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ các sản phẩm thép và nhôm vào Mỹ (tăng thuế suất với nhôm lên 25% từ mức 10% trước đó). Đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng sau đó miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc... Thuế mới duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong báo cáo phát hành ngày 10/2 thì cho rằng, các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ. Trong đó, NKG sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.
Đối với HPG, doanh thu từ thị trường Mỹ - Mexico ước tính đóng góp 2,9% tổng doanh thu. Vì vậy, KBSV nhận định HPG sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất khi các sản phẩm thép thượng nguồn (thép xây dựng, HRC) được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa. Kênh xuất khẩu đóng góp 30% tổng sản lượng nhưng thị trường xuất khẩu chính của HPG là các quốc gia thuộc châu Á như Malaysia, Indonesia (chiếm 40% doanh thu xuất khẩu).
![Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp lớn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_595_51461263/7c7fb89f88d1618f38c0.jpg)
Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp lớn.
Theo KBSV, xu hướng tiêu thụ nội địa đã diễn ra từ nửa cuối năm 2024, sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. So với vùng đỉnh quý 1/2024, sản lượng xuất khẩu tôn mạ quý 4/2024 của HSG, NKG, GDA đã giảm lần lượt 19%/31%/28%. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của HPG cũng giảm 45%.
Xu hướng tiêu thụ nội địa được hỗ trợ nhờ động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.
KBSV cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuế quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.