Chính sách thuế quan của ông Trump: Tranh luận và sự kiên nhẫn từ người Mỹ

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump tiếp tục là chủ đề tranh luận giữa những luận điểm bảo vệ và những lo ngại mà nó có thể gây ra.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động thị trường toàn cầu và thách thức các nguyên tắc lâu đời của thương mại quốc tế.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhanh chóng tiếp cận Mỹ để đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận công bằng và cùng có lợi trong bối cảnh chính quyền Trump đặt mục tiêu đạt 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, theo hãng tin Reuters.

Nhiều lo ngại về chính sách thuế quan

Mặc dù thời điểm và mức độ ảnh hưởng chính xác của các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia đã nêu lo ngại rằng chính sách này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Cuối tuần qua, hơn 970 người, trong đó có hàng chục nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã ký vào “Tuyên bố Thương mại và Thuế quan: Tuyên bố về các Nguyên tắc Thịnh vượng của Mỹ”, chỉ trích rằng chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump là "sai lầm", đồng thời cảnh báo nguy cơ "tự gây ra suy thoái kinh tế".

Trong số người ký vào tuyên bố chung có các chủ nhân giải Nobel Kinh tế James Heckman và Vernon Smith. Tuyên bố đã được công bố vào cuối tuần qua và tính đến sáng 21-4 đã có hơn 1.210 cá nhân ký tên, theo tờ Business Insider.

Trong tuyên bố, các tác giả chỉ trích những mức thuế đối ứng của ông Trump đang ảnh hưởng tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời kêu gọi chấm dứt "các chính sách thương mại thiếu nhất quán và gây tổn hại". Các tác giả cho biết các mức thuế "đối ứng" này được "tính toán dựa trên một công thức sai lầm và tùy tiện không có cơ sở trong thực tế kinh tế".

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng rằng các nguyên tắc kinh tế vững chắc, bằng chứng thực nghiệm và những cảnh tỉnh của lịch sử sẽ chiến thắng những huyễn hoặc về bảo hộ hiện tại" - theo các tác giả.

Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Business Insider về tuyên bố trên.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump được cho là một công cụ thúc đẩy các nền kinh tế khác đàm phán. Việc tạm dừng 90 ngày có chọn lọc gần đây mở ra một cơ hội cho điều đó. Nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng và mối đe dọa thuế quan vẫn còn trong thời gian chờ đợi, theo tạp chí East Asia Forum.

Tạp chí này cũng cho rằng việc thực thi chính sách thuế quan rất phức tạp và mâu thuẫn với các mục tiêu của chính quyền ông Trump như cắt giảm bộ máy hành chính và kiểm soát nhập cư, trong khi tình trạng bất ổn tài chính, mất mát tài sản và phản ứng chính trị từ giới hưu trí sẽ làm suy yếu sự ủng hộ trong nước.

Thương mại toàn cầu cũng có thể dịch chuyển khỏi Mỹ, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của nước này trong các tổ chức tài chính đa phương. Trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt và các lợi ích kinh tế bị trì hoãn, những mâu thuẫn nội tại và sự chênh lệch về thời điểm thực thi chính sách đe dọa tính bền vững của nó trước khi những lợi ích mong muốn kịp hiện thực hóa, theo East Asia Forum.

Ngày 21-4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối” việc các quốc gia khác ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ mà gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả, theo kênh Channel News Asia.

Sự kiên nhẫn của người Mỹ

Trước tình hình thị trường biến động do các mức thuế quan gây ra, Tổng thống Trump đã mô tả những chính sách này là sự đánh đổi giữa nỗi đau ngắn hạn để đạt được lợi ích dài hạn. Đầu tháng 4, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Mỹ đang thu về hàng tỉ USD mỗi ngày nhờ các chính sách bảo hộ của ông và nói rằng "điều đó khiến chúng ta trở thành một quốc gia rất mạnh mẽ".

Ông Trump đã kêu gọi sự kiên nhẫn từ người dân Mỹ, tuyên bố rằng, "Việc làm và nhà máy sẽ quay trở lại đất nước chúng ta, và bạn đã thấy điều đó xảy ra rồi. Chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở công nghiệp trong nước của mình”, tờ The Hill đưa tin.

 Nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng vào chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Ảnh: GETTY IIMAGES

Nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng vào chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Ảnh: GETTY IIMAGES

Cho đến nay, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ vẫn khá im lặng về những tác động của chính sách thuế quan, họ đặt cược lớn rằng những người ủng hộ Tổng thống Trump sẽ tin tưởng ông, ít nhất là trong ngắn hạn. Đảng Cộng hòa tin rằng những người ủng hộ ông Trump sẽ chấp nhận nỗi đau kinh tế để đổi lấy lời hứa về lợi ích trong tương lai.

Theo The Hill, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cử tri đảng Cộng hòa đặc biệt ủng hộ việc ông Trump nhấn mạnh vào việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, vì họ tin rằng thuế quan sẽ có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn. 78% cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ thuế quan và hơn một nửa tin rằng chính sách này sẽ dẫn đến hạ giá hàng hóa. Sự lạc quan này có thể mang lại cho Tổng thống Trump một số động lực trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem những người ủng hộ đảng Cộng hòa sẽ kiên nhẫn với chính sách thuế quan của Tổng thống Trump được bao lâu. Các nhóm lưỡng đảng ở cả hai viện của quốc hội Mỹ đã đưa ra các dự luật nhằm hạn chế quyền lực thuế quan của tổng thống, mặc dù cuối cùng giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đã ngăn cản động thái này.

Dù vậy, một số bộ phận doanh nghiệp Mỹ có phản ứng với chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Đầu tuần trước, một nhóm gồm 5 doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã kiện Tổng thống Trump lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ nhằm chống lại mức thuế đối ứng mà ông Trump áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, theo đài CNBC.

Các doanh nghiệp này cáo buộc Tổng thống Trump đã chiếm quyền áp thuế từ quốc hội một cách bất hợp pháp bằng cách tuyên bố rằng thâm hụt thương mại với các quốc gia khác là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đơn kiện cho rằng mức thuế đối ứng cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu của tất cả các nước và các mức thuế đối ứng cao áp lên hàng chục quốc gia cụ thể đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ trên cả nước Mỹ.

Ngày 16-4, Thống đốc California - ông Gavin Newsom cho biết tiểu bang này sẽ đệ đơn kiện thách thức thẩm quyền của Tổng thống Trump trong việc áp thuế đối ứng lên các nước, gây nguy cơ dẫn tới cuộc chiến thương mại toàn cầu, theo đài CBS News.

Bị Trung Quốc trả hàng, Boeing trở thành 'nạn nhân' của thuế đối ứng Mỹ

Tối 19-4, một chiếc máy bay chở khách 737 MAX của tập đoàn Boeing đã hạ cánh tại TP Seattle (bang Washington, Mỹ) sau khi bị đối tác Trung Quốc trả hàng, theo hãng tin Reuters.

Chiếc 737 MAX đã kết thúc hành trình bay dài 8.000 km từ trung tâm lắp ráp hoàn chỉnh ở TP Chu San (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), tiếp nhiên liệu tại Guam và Hawaii (Mỹ) và hạ cánh ở Seattle.

Chiếc máy bay trên được đóng theo đơn đặt hàng của hãng hàng không Xiamen Airlines (Trung Quốc).

Theo trang tin Air Current, Trung Quốc có thể trả lại ít nhất 3 chiếc 737 MAX. Những chiếc máy bay vốn đã hoàn thiện ở Chu San và chỉ chờ giao hàng có thể phải trở về cơ sở của Boeing ở Seattle.

Cả Boeing và Xiamen Airlines đều chưa đưa ra bình luận về thông tin chiếc 737 MAX bị trả hàng.

Những động thái này của Trung Quốc được cho là hệ quả từ các căng thẳng thuế quan liên tục leo thang giữa Bắc Kinh và Washington trong những tháng gần đây, đặc biệt từ các diễn biến vụ thuế đối ứng.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chinh-sach-thue-quan-cua-ong-trump-tranh-luan-va-su-kien-nhan-tu-nguoi-my-post845640.html