Chính sách thuế quan mới của Mỹ: 'Ngày Giải phóng' thay đổi chính sách cả trăm năm

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan mới đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ với các mức khác nhau, đồng thời cam kết thực hiện cải tổ quan hệ thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan mới đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ với các mức khác nhau, đồng thời cam kết thực hiện cải tổ quan hệ thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế quan phổ quát 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Ngoài ra Mỹ sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng cao hơn đối với các quốc gia Mỹ có thâm hụt thương mại và có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Cách tính thuế quan theo “phong cách Trump” chưa từng có tiền lệ

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Trump viện dẫn quyền hạn theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng gây ra vì quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước không công bằng. Tuy nhiên, căn cứ để ban hành các mức thuế cụ thể đối với từng quốc gia chưa rõ ràng và cũng chưa từng có tiền lệ.

Theo giới chức Mỹ, cách tính toán về các mức thuế khác nhau dựa trên mức thuế quan của từng quốc gia cộng với các chính sách không công bằng khác như thao túng tiền tệ, thuế giá trị gia tăng và các rào cản thương mại khác. Theo đó, thuật ngữ “thuế quan” đối với chính sách thương mại của Mỹ là không chính xác, không phản ánh được bản chất cách tính thuế của Mỹ. Thuế quan của Tổng thống Trump cũng không tính toán đến khái niệm lợi thế so sánh truyền thống, ví dụ như vì Indonesia đánh thuế nhập khẩu cà phê cao nên Mỹ sẽ áp thuế đối với cà phê nhập khẩu từ Indonesia mặc dù Mỹ không xuất khẩu cà phê sang Indonesia.

Nếu xét theo con số, nguồn gốc của mức thuế này không tính toán từ mức thuế cộng với các rào cản phi thuế quan mà chỉ đơn giản là thấy thâm hụt thương mại của Mỹ chia cho thặng dư thương mại của từng quốc gia. Nếu chính xác thì đây đúng là cách tính thuế chưa từng có trong lịch sử. Thậm chí, Tổng thống Trump cho rằng mức thuế “có đi có lại” này mới chỉ bằng nửa mức Mỹ tính toán, thể hiện ý định linh hoạt, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.

Thay đổi chính sách cả trăm năm, tác động mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu

Quyết định áp thuế phổ quát 10% đối với tất cả các nước của Tổng thống Trump phản ánh sự thay đổi cơ bản trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ. Theo đó, ông Trump tuyên bố đã thực hiện lời hứa của mình trong nhiều tháng qua, khi coi thuế quan là công cụ để khẳng định quyền lực của Mỹ, tái cân bằng các mối quan hệ thương mại, phục hồi ngành sản xuất của Mỹ và đòi hỏi những nhượng bộ địa chính trị.

Trong nhiều thập kỷ qua, các chính quyền Mỹ, đặc biệt là đảng Cộng hòa thường theo đuổi các chính sách thương mại tự do nhằm giảm bớt rào cản đối với thương mại quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty sản xuất và bán hàng hóa xuyên biên giới. Một phần quan trọng của chương trình nghị sự thương mại tự do bao gồm giảm thuế quan và thúc đẩy chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các thỏa thuận và cơ chế hợp tác như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại hay Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tác động qua lại giữa thuế quan cao, thuế trả đũa và điều chỉnh thương mại sẽ thúc đẩy xung đột thương mại gia tăng, có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc với các hậu quả kéo dài. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng có thể chuyển sang đa cực hơn, các quốc gia sẽ ưu tiên thỏa thuận thương mại khu vực hơn là dựa vào các khuôn khổ thương mại do Mỹ thống trị như trước đây.

Châu Âu và châu Á là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo thông báo của Nhà Trắng, các nước châu Á và châu Âu là những đối tác thương mại bị áp mức thuế quan cao nhất. Giới quan sát nhận định, các nước châu Á dường như nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Trump trong nỗ lực áp thuế với Campuchia ở mức cao nhất 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%. Các nước Đông Bắc Á, Nam Á chịu mức thuế vừa phải như Ấn Độ 26%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Liên minh châu Âu chịu thuế mức 20%.

Nếu theo tính toán của Mỹ thì Trung Quốc có thể là quốc gia phải chịu mức thuế lớn nhất, 34% thuế đối ứng cộng với mức thuế 20% hiện hành liên quan đến cáo buộc đưa fentanyl bất hợp pháp vào Mỹ, cũng như thuế quan đối với nhiều mặt hàng cụ thể đã được áp dụng. Điều này có nghĩa là nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế cao hơn 50%. Nếu mức áp thuế khoảng 50% đối với Trung Quốc được duy trì trong dài hạn thì theo ước tính của giới chuyên gia kinh tế Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 5 năm tới có thể giảm đến 90%.

Đánh cược cả nền kinh tế Mỹ trong ván bài thuế quan

Cho đến thời điểm hiện nay một số nhà kinh tế và dư luận Mỹ vẫn cho rằng Tổng thống Trump đang đánh cược cả nền kinh tế Mỹ trong ván bài thuế quan vô tiền khoáng hậu. Các ý kiến này cho rằng thuế quan mới sẽ khiến giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát quay trở lại và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Một số hiệp hội và ngành hàng cũng nhận định việc thực hiện ngay lập tức các mức thuế quan này là một nỗ lực rất lớn và hàng triệu doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp cần phải được thông báo trước và sự chuẩn bị đáng.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ cho rằng quyết định thuế quan là hành động chính sách thương mại và kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ, củng cố di sản của Tổng thống Trump khi ông đang cố gắng mở ra một kỷ nguyên vàng mới về sản xuất kinh tế và thịnh vượng. Mức thuế quan sẽ góp phần “tái công nghiệp hóa rộng rãi và tạo ra việc làm cho tầng lớp lao động tại Mỹ”.

Việc thực hiện thuế quan sẽ rất phức tạp và có thể không khả thi đối với năng lực hành chính của Mỹ hiện nay và là một trong những lý do cho rằng mục tiêu thực sự của chính sách này không hẳn là buộc các công ty chuyển sản xuất về Mỹ hay tạo thêm nguồn thu cho chính phủ, mà chủ yếu nhằm gây sức ép buộc các nước khác ký kết các thỏa thuận thương mại có lợi cho nước này.

Vũ Hợp, Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chinh-sach-thue-quan-moi-cua-my-ngay-giai-phong-thay-doi-chinh-sach-ca-tram-nam-post1189272.vov