Chính sách thuế quan Mỹ: ASEAN tìm kiếm đối thoại, không trả đũa
Ngày 10/4, ASEAN đã ra Tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 tại Kuala Lumpur (Malaysia), khẳng định không áp dụng biện pháp đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Thay vào đó,kêu gọi đối thoại trực tiếp để giải quyết các mối quan ngại.
Tuyên bố nhấn mạnh quan hệ đối tác lâu dài giữa ASEAN và Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế trong khu vực. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Mỹ, trong khi Mỹ vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN.

Biểu tượng ASEAN 2025 tại Langkawi, Malaysia (Ảnh: VOV-Bangkok)
Các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ, cho rằng điều này có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, sinh kế và tiến trình kinh tế của khu vực, đặc biệt là các nền kinh tế kém phát triển.
ASEAN cam kết duy trì hợp tác kinh tế chặt chẽ với Mỹ thông qua Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA) và Kế hoạch công tác về Cam kết Kinh tế Mở rộng (E3) để tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi. Khối cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, duy trì các thỏa thuận thương mại như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (DEFA), đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế với các đối tác bên ngoài.
Đáng chú ý, tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12, ASEAN đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm Địa kinh tế ASEAN để xây dựng cơ chế phản ứng chính sách khu vực thống nhất trước các thách thức kinh tế và địa chính trị mới nổi.