Nửa thế kỷ vươn lên cùng đất nước - Bài 1: Vạn sự khởi đầu nan

50 năm kể từ Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975. Cùng với cả nước, Tiền Giang đã trải qua nửa thế kỷ vượt khó, chuyển mình phát triển mạnh mẽ, nhất là trên mặt trận kinh tế. Từ những ngày đầu phải tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh, Tiền Giang hôm nay đã có vị thế mới so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay những ngày đầu mới được giải phóng, tỉnh Tiền Giang đã chủ động tính toán các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Trên cơ sở các chuyến khảo sát thực tế, Tiền Giang đã đặt ra các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, trước mắt là các “điểm nóng”.

CHƯƠNG MỚI TIỀN GIANG

30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng của đất nước, ghi dấu chiến thắng oai hùng của dân tộc Việt Nam. Hòa chung niềm vui ấy, Địa chí Tiền Giang cũng đã ghi nhận, ngày 15-5-1975, tại sân banh TP. Mỹ Tho, hơn 25.000 đồng bào đại diện cho nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho tham dự mít tinh trọng thể chào mừng thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và ra mắt Ủy ban quân quản tại Mỹ Tho gồm 13 thành viên do đồng chí Lê Văn Nhung (tức đồng chí Tư Việt Thắng hay còn gọi là đồng chí 204) làm Chủ tịch.

Một góc TP. Mỹ Tho hôm nay. Ảnh: TRUNG HẬU

Một góc TP. Mỹ Tho hôm nay. Ảnh: TRUNG HẬU

Sau khi được thành lập, Ủy ban quân quản các địa phương các cấp đã xây dựng bộ máy hành chính theo điều kiện của từng địa bàn để triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng. Ủy ban quân quản thực hiện nhiều biện pháp hoạt động có hiệu quả trong việc thiết lập trật tự xã hội mới, giữ vững và củng cố an ninh chính trị, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Thế là, công cuộc tái thiết đất nước sau tàn phá hàng chục năm của chiến tranh chính thức bắt đầu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện Nghị quyết 245 ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị về giải thể khu hợp nhất tỉnh; Nghị quyết 19 ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, Nghị định 03 tháng 2-1976 của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, TP. Mỹ Tho. Đảng bộ tỉnh Tiền Giang được thành lập do đồng chí Lê Văn Phẩm (Chín Hải) giữa chức vụ Bí thư.

Ngày 9-11-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ I (nhiệm kỳ 1977 - 1980) khai mạc tại TP. Mỹ Tho với 361 đại biểu tham dự. Đại hội đã đánh giá tÌnh hình Tiền Giang 2 năm 1975 - 1976, đề ra nhiệm vụ và phương hướng thực hiện trong 2 năm (1977 - 1978) với 2 nội dung chính.

Thứ nhất là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân, sẵn sàng trấn áp bọn phản cách mạng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, tập trung toàn lực thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm, trước mắt là thực hiện kế hoạch 2 năm (1978 - 1979).

Thứ hai là ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, đi đôi với phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh công tác y tế, giáo dục, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới, con người mới…

Tháng 3-1976, UBND tỉnh được thành lập do đồng chí Nguyễn Công Bình giữ chức vụ Chủ tịch. Đi cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, tỉnh Tiền Giang cũng đã trải qua đúng nửa thế kỷ chuyển mình. Sau ngày hòa bình, cùng với cả nước, Tiền Giang bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương, đất nước với bộn bề khó khăn do hậu quả của chiến tranh tàn phá, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu.

Nhìn lại và chiêm nghiệm lịch sử mới thấy để thay đổi diện mạo, nhất là chuyển đổi kinh tế, nâng cao đời sống người dân sau thời gian dài chịu cảnh đau thương, mất mát là điều không dễ dàng, nên việc bắt tay gầy dựng lại kinh tế cũng mang lại những tầm vóc lịch sử.

Trong quyển Dấu ấn cuộc đời của đồng chí Nguyễn Công Bình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (từ năm 1976 - 1987) có nhắc đến bối cảnh những ngày đầu của tỉnh Tiền Giang sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng: “Trước khi đi họp Quốc hội diễn ra vào ngày 25-6-1976, tôi đến báo cáo sự chuẩn bị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Trong thời gian chờ ngày lên đường, tôi đề nghị đồng chí cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy Tiền Giang như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy suy nghĩ rồi nói vấn đề “vạn sự khởi đầu nan” là phải tính chắc ăn, như Tỉnh ủy đã đồng ý lấy Nghị quyết 5 điểm của Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho (trước khi thành lập tỉnh Tiền Giang - NV) làm cơ sở triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện đều tích cực thực hiện. Còn những vấn đề có tính chiến lược, tôi với anh cùng đi khảo sát thực tế toàn tỉnh về sẽ đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy, nếu Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thì xin ý kiến Tỉnh ủy thông qua để thực hiện”.

BẮT ĐẦU TỪ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tiếp nối chủ trương, tinh thần ấy, nhiều cuộc khảo sát thực tế của tỉnh ở một số vùng được bắt đầu như khu vực ven biển Gò Công, phía Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp, dọc kinh Nguyễn Văn Tiếp B, từ thị trấn Cái Bè theo sông Tiền xuống Cồn Cống, từ thị xã Gò Công đến An Hữu, bến phà Mỹ Thuận… để gặp gỡ người dân, nghe người dân phản ánh về tình hình sản xuất và đời sống và thu nhập được nhiều thông tin bổ ích. Chuyến khảo sát thực tiễn cũng đưa ra đánh giá chung là Tiền Giang vẫn là một tỉnh đất hẹp người đông, dân cư phân bổ không đều.

Chẳng hạn, từ kinh Chợ Gạo đến Gò Công diện tích và dân số phân bổ tương đối đồng đều, chỉ có vùng Cồn Cống, cù lao Lợi Quan bị hoang hóa, đất nhiễm mặn, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa. Khi thu hoạch xong lúa mùa, đại đa số lao động chính phải tha phương cầu thực, nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Ảnh: TRUNG HẬU

Ảnh: TRUNG HẬU

Ở vùng Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp từ Kinh 12 đến chợ Phú Mỹ có hàng chục ngàn ha đất bị hoang hóa, riêng vùng kinh Nguyễn Văn Tiếp dân cư tương đối đông đúc, số ít chuyển sang buôn bán hoặc đóng xuồng ba lá, đa số nông dân còn lại chuyên sống dựa vào kinh tế tự nhiên theo từng thời vụ của vùng đất hoang hóa. Trong chiến tranh, những năm 1960 - 1962, vùng này là nơi ẩn náu của lực lượng ta do đó bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, cào nhà gom dân vào ấp chiến lược trở thành vùng trắng.

Vùng Nam Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp từ Kinh 12 (khu trù mật Mỹ Phước Tây) trở lên đến kinh Nguyễn Văn Tiếp B, nhân dân vẫn còn tập quán làm ăn theo kiểu cũ, có trên 16.000 ha đất, nhiều nhất là ở huyện Cái Bè, mỗi năm làm vụ lúa sạ nổi, năng suất thấp.

Vả lại, đây là vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Trong kháng chiến, nhân dân ở đây đã nhiều lần bị địch cào nhà gom dân vào hai khu trù mật Mỹ Phước Tây và Thiên Hộ, đời sống cũng rất khó khăn.

Kết quả khảo sát thực tiễn cũng đánh giá, vùng ven bờ sông Tiền ở một số xã như: Cẩm Sơn, Long Trung, Long Tiên, Mỹ Long, Bàn Long trong kháng chiến đã bị bom pháo Mỹ tàn phá nặng nề. Riêng các xã cù lao đời sống nhân dân khá sung túc do điều kiện thiên nhiên khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Hai bên bờ Bắc của tuyến lộ 4 và lộ 24 từ Bắc Mỹ Thuận đến Cầu Nổi, Vàm Láng (Gò Công) nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân chiến đấu buộc địch cho bung ra sản xuất, nhất là hai bên Nam - Bắc lộ 4, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và lộ 24 huyện Chợ Gạo dân kiên quyết bung ra sản xuất nên đời sống tương đối ổn định.

Còn đối với TP. Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị trấn và các khu phố chợ xã trong chiến tranh nơi nào xảy ra chiến sự, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc địch phải bồi thường thiệt hại, đời sống bấp bênh.

Sau giải phóng, lúc đầu có khó khăn do sản xuất kinh, doanh theo phương thức cũ, lạc hậu chuyển sang cơ chế sản xuất, kinh doanh mới còn bỡ ngỡ, nhưng vẫn khá hơn các vùng căn cứ bị địch xóa trắng nhà ở, ruộng vườn, bắt vào ấp chiến lược. Sau giải phóng trở về xem như hai bàn tay trắng.

Trên cơ sở khảo sát thực tế và đánh giá tình hình từng khu vực cụ thể, Tỉnh ủy Tiền Giang đề ra chương trình và tập trung vào các “điểm nóng”. Và như vậy, công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân Tiền Giang chính thức bắt đầu. Đây có thể được xem là điểm khởi đầu cho nửa thế kỷ chuyển mình của Tiền Giang.

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202504/chao-mung-ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-nua-the-ky-vuon-len-cung-dat-nuoc-bai-1-van-su-khoi-dau-nan-1039668/