Chính sách thuế tạo động lực cho phát triển kinh tế xanh bền vững

Chính sách thuế là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách tài chính quốc gia, là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing xung quanh vấn đề này.

Thuế bảo vệ môi trường đang trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thuế bảo vệ môi trường đang trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam. Ảnh tư liệu

PV: Chính sách thuế giữ vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế xanh, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Trong phát triển kinh tế xanh, chính sách thuế cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế xanh, thông qua việc điều chỉnh hành vi kinh tế và huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Thứ hai, chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững bằng cách tạo ra các ưu đãi và rào cản nhằm khuyến khích sự phát triển của các ngành kinh tế xanh và giảm thiểu các ngành gây ô nhiễm.

Thứ ba, chính sách thuế góp phần thực hiện công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ tiện ích của xã hội. Thông qua hệ thống thuế, Nhà nước có thể huy động nguồn thu từ những người có thu nhập cao và các doanh nghiệp lớn, từ đó tái phân phối tài nguyên cho các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, giao thông và hạ tầng xã hội.

Tái đầu tư nguồn thu từ thuế vào các dự án công nghệ xanh

Để khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, cần tăng mức thuế đối với các sản phẩm gây ô nhiễm, đặc biệt là xăng dầu và than đá. Việc nâng cao thuế đối với các sản phẩm gây ô nhiễm như xăng dầu, than đá và các hóa chất độc hại sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và người dân chuyển đổi sang các giải pháp sử dụng năng lượng sạch và bền vững hơn, đồng thời làm giảm lượng phát thải khí nhà kính…

Thứ tư, chính sách thuế góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Để tiến tới phát triển kinh tế xanh, chính sách thuế là công cụ được sử dụng nhằm giảm bớt sự lãng phí trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

PV: Hệ thống chính sách thuế giai đoạn vừa qua tác động ra sao đến phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Từ ngày 1/1/2012, với việc thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) số 57/2010/QH12 đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận về việc sử dụng các công cụ kinh tế cho mục tiêu BVMT ở Việt Nam.

Luật Thuế BVMT được ban hành với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa mà việc sử dụng các hàng hóa này gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường; huy động thêm nguồn lực cho NSNN để đầu tư cho các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có mục tiêu BVMT; khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Từ khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành, xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thấp hơn so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch; xe ô tô chở người dưới 9 chỗ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh lớn hơn đã phải chịu mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn. Đây là những giải pháp tiên phong trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Để tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện, Luật số 106/2016/QH13 quy định giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống. Đồng thời, quy định tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3. Cùng với đó, đã thực hiện giảm mạnh mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xe ô tô điện để khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện đang được quy định khá thấp, khoảng 5 - 15% tùy theo số chỗ ngồi; trong khi đó, mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) khoảng 10 - 150% tùy theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh.

Gần đây, để thúc đẩy việc sử dụng xe điện chạy pin, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện chạy pin đã được điều chỉnh giảm 3 - 12 điểm phần trăm so với mức hiện hành trong 5 năm (1/3/2022 - 28/2/2027). Theo đó, thuế suất thuế TTĐB của xe ô tô điện chạy bằng pin, loại chở người từ 9 chỗ trở xuống, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/2/2027 là 3%; từ ngày 1/3/2027 là 11%.

Nhìn nhận một cách tổng quan cho thấy, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua đã góp phần hình thành nên các khuôn khổ khá đồng bộ, phát huy được vai trò của từng chính sách thuế, phí trong việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh. Việc sử dụng các công cụ chính sách thuế vì mục tiêu BVMT ngày càng phù hợp, đúng bản chất hơn, góp phần thể chế hóa các nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường”.

Thông qua các chính sách thuế liên quan đến BVMT đã góp phần tăng cường trách nhiệm và nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách thuế liên quan BVMT cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu như các cam kết theo thỏa thuận COP21 và COP26.

PV: Ông có kiến nghị giải pháp gì nhằm hoàn thiện chính sách thuế cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam?

PGS.TS Phạm Tiến Đạt: Để đạt được mục tiêu trên, cần nghiên cứu để áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam. Nguồn thu từ thuế các-bon nên được tái đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững hơn.

Để khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch, Chính phủ cần cải thiện các quy trình hành chính liên quan đến việc tiếp cận các ưu đãi thuế, từ đó thúc đẩy đầu tư vào các giải pháp bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục ưu đãi thuế, xây dựng khung pháp lý rõ ràng và thiết lập lộ trình tăng thuế hợp lý. Với những cải cách này, chính sách thuế sẽ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-thue-tao-dong-luc-cho-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-167126-167126.html