Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần đảm bảo lợi ích và thực tế

Chia sẻ tọa đàm 'Chính sách thuế với đồ uống có cồn', các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan và phù hợp thực tế của Việt Nam.

Ngày 30/7 tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.

Ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Thuế rượu, bia mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong cho biết, ngày 8/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật TTĐB (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã được gửi xin ý kiến các bộ, ban ngành, Hiệp hội doanh nghiệp có liên quan tại Công văn số 6059/BTC-CST ngày 11/6 và được đăng tải toàn bộ trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến công khai.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất Luật TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, sức mua rượu, bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh, trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm. Do vậy, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh. Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của WHO, thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu và bia từ năm 2016-2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.

Đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn” các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự đã cùng thảo luận với các vấn đề: Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Hiện trạng và giải pháp; Hướng đến một chính sách thuế hiệu quả và bền vững cho đồ uống có cồn: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe con người.

Theo Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thúy Anh cho biết, trên cơ sở các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã được phê duyệt, Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia) và xây dựng 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất: Đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70% từ năm 2026; 75% từ năm 2027, 80% từ năm 2028, 85% từ năm 2029 và 90% từ năm 2030. Phương án 2: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 80% từ năm 2026; 85% từ năm 2027, 90% từ năm 2028, 95% từ năm 2029 và 100% từ năm 2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, phương án 1: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 35% lên 40% từ năm 2026; 45% từ năm 2027, 50% từ năm 2028, 55% từ năm 2029 và 60% từ năm 2030. Phương án 2: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 35% lên 50% từ năm 2026; 55% từ năm 2027, 60% từ năm 2028, 65% từ năm 2029 và 70% từ năm 2030.

Đối với mặt hàng bia, phương án 1: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70% từ năm 2026; 75% từ năm 2027, 80% từ năm 2028, 85% từ năm 2029 và 90% từ năm 2030. Phương án 2: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 80% từ năm 2026; 85% từ năm 2027, 90% từ năm 2028, 95% từ năm 2029 và 100% từ năm 2030.

Theo Phương án 2 thì giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo, mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Với Phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, quá trình hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian từ năm 1990 đến nay đã thể hiện rõ tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung, đồ uống có cồn, rượu bia nói riêng. Khi xây dựng các chính sách điều tiết thu ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (bao gồm rượu bia) phải được tính toán các phương án, đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội; điều tiết thu ngân sách nhà nước; ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động; góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu.

“Trong tiến trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cải cách thể chế và quản lý thuế cần thực hiện song hành, hài hòa giữa thực hiện theo thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Cúc góp ý.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, đột ngột có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra. Do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu; hoặc chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế; không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, hiện nay chính sách quản lý mặt hàng bia, rượu ở Việt Nam khá đồng bộ. Tuy nhiên, mới chỉ quản lý hiệu quả đối với mặt hàng bia, còn rượu thì chưa hiệu quả. “Trong tổng số khoảng 500 triệu lít rượu được sản xuất tại Việt Nam hiện nay, có đến 80% là rượu trôi nổi. Đấy chính là vấn đề sinh ra hậu quả tình trạng ngộ độc methanol diễn ra liên tục trong thời gian qua” - ông Nguyễn Văn Việt khẳng định.

Theo tính toán của Bộ Tài chính giải pháp này sẽ làm tăng thu ngân sách nhà nước nhiều hơn vì giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng nhanh hơn nhiều trong năm đầu tiên, các năm sau mức độ tăng có tốc độ chậm hơn. Giải pháp này có hiệu quả tức thì theo phương pháp tăng nhanh và mạnh ngay khi Luật có hiệu lực để mang lại tác dụng hiệu quả ngay trong việc giảm sử dụng.

Nhiều hệ lụy nếu lạm dụng rượu, bia

Theo Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo...

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chinh-sach-thue-voi-do-uong-co-con-can-dam-bao-loi-ich-va-thuc-te-715133.html