Chính sách tín dụng cho SV ngành Toán: Cân nhắc về lãi suất, thời gian trả nợ

Chính sách về tín dụng được đánh giá sẽ mang lại tác động tích cực, giúp thu hút, giữ chân người học ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán đang thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên, cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa đối với 01 người học bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng.

Chính sách về tín dụng sẽ mang lại tác động tích cực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười - Trưởng khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, mức vay tối đa 5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt, là một hỗ trợ tài chính đáng kể, đặc biệt với sinh viên tại các địa phương có chi phí sinh hoạt trung bình hoặc thấp.

Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, mức này có thể chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản, do học phí một số chương trình STEM (đặc biệt là hệ chất lượng cao) có thể chiếm phần lớn khoản vay, để lại nguồn lực hạn chế cho sinh hoạt.

Dù vậy, chính sách này vẫn tạo ra nhiều tác động tích cực đối với ngành Toán và Thống kê, giúp thu hút sinh viên từ các gia đình khó khăn bằng cách giảm gánh nặng tài chính, làm tăng sức hấp dẫn của ngành vốn thường bị coi là “khô khan” hoặc ít cơ hội việc làm tức thời so với một số ngành học khác.

Hỗ trợ tài chính cũng giúp giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng, đặc biệt với sinh viên năm nhất hoặc ở vùng sâu, vùng xa, từ đó giữ chân người học. Ngoài ra, chính sách tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu hoặc học sau đại học, vốn đòi hỏi đầu tư dài hạn trong ngành Toán và Thống kê.

Được biết, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thường triển khai học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên xuất sắc, học bổng tài trợ từ doanh nghiệp hoặc cựu sinh viên, và miễn học phí cho sinh viên thuộc khối ngành sư phạm theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp cận chương trình vay tín dụng theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ngoài trừ sinh viên thuộc khối ngành sư phạm, số lượng sinh viên nhận được những chính sách hỗ trợ này khá khiêm tốn.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười - Trưởng khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười - Trưởng khoa Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Khoa Sư phạm Toán và Tin học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Toán học là ngành khoa học cơ bản, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhiều lĩnh vực ứng dụng thực tiễn.

Trong thời đại hiện nay, khi người ta nói nhiều đến các ngành "thời thượng" như trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ bán dẫn, thì chúng ta càng cần nhấn mạnh rằng, không thể có AI nếu thiếu nền tảng Toán học, cũng không thể hiểu và ứng dụng AI hiệu quả nếu thiếu tư duy logic và khả năng phân tích dữ liệu - những điều mà Toán và Thống kê cung cấp.

Chính vì vậy, tôi cho rằng đề xuất hỗ trợ sinh viên ngành Toán được vay vốn tối đa 5 triệu đồng/tháng để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt là một chính sách rất đáng hoan nghênh. Chính sách này sẽ giúp sinh viên yên tâm học tập, giảm bớt gánh nặng tài chính, từ đó góp phần thu hút và giữ chân người học theo đuổi các ngành khoa học cơ bản – vốn có vai trò nền tảng trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lâu dài.

Hiện nay, Trường Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên ngành Toán nói riêng, cũng như toàn thể sinh viên nói chung.

Cụ thể là các chương trình học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc; đồng thời nhà trường cũng tích cực kết nối với doanh nghiệp, các tổ chức khuyến học, mạnh thường quân… để tìm kiếm các nguồn tài trợ học bổng, hỗ trợ học phí nhằm giúp sinh viên có thêm cơ hội được tiếp cận tri thức và theo đuổi đam mê”.

Có thể cân nhắc việc cho vay với lãi suất 0%

Bàn về nội dung liên quan đến lãi suất cho vay và lãi suất nợ quá hạn được đề cập trong dự thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Mười chia sẻ: “Quy định Lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật là mức ưu đãi đáng kể so với các khoản vay thương mại, giúp giảm áp lực tài chính cho người học. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay đủ để khuyến khích trả nợ đúng hạn mà không gây áp lực quá lớn.

Mặc dù vậy, với mục tiêu khuyến khích phát triển nguồn nhân lực STEM, mức lãi suất này vẫn có thể là gánh nặng với những sinh viên chưa ổn định việc làm sau tốt nghiệp, đặc biệt trong các ngành như Toán và Thống kê”.

Trước ý kiến có thể cân nhắc cho vay với lãi suất 0%, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Mười bày tỏ: “Điều này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng sức hấp dẫn của chính sách, giảm áp lực tài chính sau tốt nghiệp, và thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhà nước trong phát triển nhân lực STEM. Tuy nhiên, lãi suất 0% có thể gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng vốn vay nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

Thay vì áp dụng lãi suất 0% cho tất cả, nên xem xét miễn lãi suất cho các nhóm ưu tiên như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên dân tộc thiểu số, hoặc sinh viên đạt thành tích xuất sắc, đồng thời giảm lãi suất xuống 3-4%/năm cho các đối tượng còn lại.

Ngoài ra, cũng có thể áp dụng giải pháp trung gian, thay vì 0% cho tất cả, chúng ta thực hiện giảm lãi suất theo thành tích học tập.

Thầy Mười nói thêm, nếu áp dụng lãi suất 0%, điều kiện vay vốn cần được điều chỉnh để đảm bảo công bằng, tránh lạm dụng, và ưu tiên đúng đối tượng.

Đối với học sinh, sinh viên, nên giữ yêu cầu học lực khá trở lên để đảm bảo hỗ trợ người có năng lực, nhưng bổ sung tiêu chí ưu tiên cho sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, hoặc từ vùng sâu, vùng xa, sinh viên viên có thành tích học tập/nghiên cứu xuất sắc. Để đảm bảo hiệu quả nguồn lực, sinh viên cần cam kết làm việc trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam ít nhất 3-5 năm sau tốt nghiệp.

Đối với sinh viên năm nhất, có thể nới lỏng yêu cầu học lực khá cả ba năm trung học phổ thông, thay bằng học lực khá ở lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 7,0 trở lên để tạo cơ hội cho những người có tiềm năng.

Đối với học viên, nghiên cứu sinh, yêu cầu tốt nghiệp đại học nên được giữ nguyên, nhưng bổ sung điều kiện điểm trung bình tích lũy đại học từ 7,0/10 trở lên và cam kết thực hiện nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam.

Ưu tiên nên dành cho nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài ứng dụng cao, phục vụ chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế kiểm soát như yêu cầu báo cáo định kỳ về kết quả học tập và xác nhận từ trường đại học để đảm bảo người vay đáp ứng điều kiện.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên: "Mục tiêu của chính sách cho sinh viên vay vốn là nhằm hỗ trợ các em trang trải học phí và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập – đặc biệt là với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc quy định lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội là một bước đi hợp lý, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới người học.

Tuy nhiên, theo tôi, vẫn có thể cân nhắc mức ưu đãi cao hơn đối với một số nhóm sinh viên đặc thù – chẳng hạn như sinh viên các ngành khoa học cơ bản, sinh viên dân tộc thiểu số, hoặc sinh viên đến từ vùng kinh tế khó khăn. Với các nhóm này, việc triển khai chính sách cho vay tín dụng với lãi suất 0% trong thời gian học tập là hoàn toàn khả thi và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Sau khi ra trường, có việc làm và thu nhập ổn định, các em sẽ bắt đầu hoàn trả khoản vay. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực tài chính trong thời gian học mà còn góp phần nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho những người có năng lực nhưng thiếu điều kiện kinh tế.

Bên cạnh đó, việc quy định lãi suất nợ quá hạn là 130% lãi suất vay cũng cần được cân nhắc kỹ hơn. Cần có thêm cơ chế linh hoạt, chẳng hạn như thời gian gia hạn sau tốt nghiệp (ví dụ 1–2 năm) để các em có cơ hội tìm việc và ổn định cuộc sống trước khi phải trả nợ. Điều này sẽ giúp các em không bị áp lực quá sớm, đồng thời tăng tỷ lệ hoàn trả vốn một cách bền vững”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên cho rằng, nếu triển khai chính sách cho vay tín dụng với lãi suất 0%, thì việc điều chỉnh điều kiện vay vốn là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính đúng đối tượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.

Ngoài các tiêu chí về năng lực học tập (như học lực khá trở lên), cần bổ sung thêm các tiêu chí liên quan đến điều kiện kinh tế – xã hội của người học.

Cụ thể, có thể đề xuất sinh viên thuộc các nhóm sau nên được ưu tiên xét duyệt vay vốn lãi suất 0%: Thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Sinh viên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển; Sinh viên các ngành khoa học cơ bản hoặc ngành có vai trò nền tảng nhưng ít người theo học.

Việc xét kết hợp giữa học lực và điều kiện hoàn cảnh kinh tế sẽ giúp chính sách vừa đảm bảo công bằng, vừa khuyến khích nỗ lực học tập, đồng thời ưu tiên hỗ trợ những người thực sự cần. Như vậy, nguồn vốn tín dụng sẽ được sử dụng đúng mục tiêu, mang lại hiệu quả xã hội lớn và góp phần tạo động lực học tập bền vững cho người học.

 Đội tuyển Olympic Toán học sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: ce.ctu.edu.vn.

Đội tuyển Olympic Toán học sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: ce.ctu.edu.vn.

Linh hoạt hơn về thời gian trả nợ

Ngoài ra, trong dự thảo có quy định: Khách hàng vay vốn phải bắt đầu thời hạn trả nợ muộn nhất sau 12 tháng kể từ ngày người học kết thúc khóa học; khách hàng vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười bày tỏ: "Quy định bắt đầu trả nợ muộn nhất 12 tháng sau tốt nghiệp và không phạt trả nợ trước hạn là hợp lý trong điều kiện lý tưởng, khi sinh viên tìm được việc làm ngay.

Tuy nhiên, quy định này chưa đủ linh hoạt cho các trường hợp không tốt nghiệp đúng hạn (do nghỉ học tạm thời, học lại) hoặc chưa tìm được việc làm, đặc biệt trong ngành Toán và Thống kê, nơi cơ hội việc làm có thể cần thời gian dài hơn.

Để khắc phục, nên tăng thời gian ân hạn lên 18-24 tháng cho các trường hợp này, với điều kiện cung cấp xác nhận từ trường hoặc cơ quan liên quan. Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế hoãn trả nợ (không tính lãi) trong tối đa 12 tháng nếu sinh viên chứng minh đang tìm việc làm hoặc tham gia đào tạo bổ sung. Kết hợp với các chương trình giới thiệu việc làm và hợp tác doanh nghiệp STEM sẽ hỗ trợ sinh viên ổn định tài chính và trả nợ đúng hạn".

Để triển khai chính sách vay vốn hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Mười đưa ra một số giải pháp sau: Tăng cường tuyên truyền tại các trường trung học phổ thông và đại học, cung cấp cẩm nang hướng dẫn chi tiết về quy trình vay vốn và trách nhiệm trả nợ;

Số hóa quy trình đăng ký vay vốn, cho phép nộp hồ sơ trực tuyến và phối hợp với các trường để xác minh nhanh thông tin; Thiết lập cơ chế giám sát định kỳ để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng;

Ưu tiên một tỷ lệ vốn vay cho sinh viên dân tộc thiểu số, và sinh viên từ vùng sâu, vùng xa để đảm bảo công bằng xã hội; Hợp tác với doanh nghiệp và viện nghiên cứu để cung cấp cơ hội thực tập và việc làm, giúp sinh viên trả nợ đúng hạn.

Bên cạnh đó, thầy Mười cũng chỉ ra, nhằm khuyến khích sinh viên lựa chọn và theo đuổi ngành Toán và Thống kê, cần triển khai các cơ chế bổ sung:

Thành lập quỹ học bổng dành riêng cho sinh viên Toán và Thống kê, ưu tiên những người có thành tích nghiên cứu hoặc tham gia các cuộc thi học thuật; Tài trợ các dự án nghiên cứu nhỏ và tạo cơ hội thực tập có lương tại các công ty phân tích dữ liệu, tài chính, hoặc công nghệ; Miễn lãi suất vay vốn cho sinh viên cam kết làm việc trong lĩnh vực Toán và Thống kê tại Việt Nam ít nhất 5 năm sau tốt nghiệp;

Tổ chức các chương trình hướng nghiệp và hội thảo với sự tham gia của cựu sinh viên, chuyên gia để truyền cảm hứng; Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đầu tư cơ sở vật chất, chương trình hiện đại, và các chương trình liên kết quốc tế.

Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên: “Quy định yêu cầu người vay bắt đầu trả nợ muộn nhất sau 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học là một nỗ lực nhằm đảm bảo hoàn trả vốn đúng thời hạn.

Mặc dù vậy trong bối cảnh thực tế hiện nay, quy định này vẫn còn nhiều điểm cần cân nhắc lại. Trên thực tế, không phải sinh viên nào cũng tốt nghiệp đúng hạn hoặc kiếm được việc làm ổn định ngay sau khi ra trường. Có những sinh viên kéo dài thời gian học vì nhiều lý do khác nhau.

Thêm vào đó, thị trường lao động hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, khiến sinh viên mất nhiều thời gian hơn để tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và đủ thu nhập để trả nợ.

Vì vậy, tôi đề xuất nên kéo dài thời gian gia hạn lên tối thiểu 24 tháng sau khi kết thúc khóa học, và cho phép trả góp theo lộ trình phù hợp với thu nhập thực tế của người học sau khi đi làm. Điều này sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho sinh viên, tránh tình trạng nợ xấu hoặc bỏ học giữa chừng vì lo sợ gánh nặng vay nợ”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên nói thêm, với đặc thù là ngành khoa học cơ bản, sinh viên ngành Toán và Thống kê thường không dễ dàng tham gia ngay vào thị trường lao động như một số ngành kỹ thuật và công nghệ khác.

Đa số các em sau khi tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu hoặc trở thành chuyên viên tại các cơ quan, tổ chức cần năng lực phân tích và xử lý dữ liệu. Chính vì vậy, bên cạnh chính sách vay vốn, cần xem xét hỗ trợ thêm một số điều như sau:

Tăng cường cơ hội học tập nâng cao trình độ: Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ sinh viên ngành Toán và Thống kê học lên bậc cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, học bổng sau đại học. Điều này giúp phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực cơ bản.

Tạo cơ hội làm việc bán thời gian trong môi trường học thuật: Cần có chính sách cho phép sinh viên, học viên cao học ngành Toán và Thống kê được tham gia trợ giảng, trợ giúp nghiên cứu có lương hoặc nhận thù lao phù hợp – vừa tạo điều kiện rèn luyện chuyên môn, vừa hỗ trợ tài chính.

Chính sách khen thưởng theo công trình khoa học: Thiết lập các chính sách khen thưởng xứng đáng đối với sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Đây là cách thiết thực để thúc đẩy đam mê học thuật và giữ chân người học trong lĩnh vực này.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chinh-sach-tin-dung-cho-sv-nganh-toan-can-nhac-ve-lai-suat-thoi-gian-tra-no-post250911.gd