Chính sách tín dụng giúp người dân thoát nghèo
Nhờ chính sách tín dụng, nhiều hộ nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Qua hơn 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, giúp người dân thoát nghèo.
Số liệu thống kê cho thấy, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Đáng chú ý, nhờ chính sách tín dụng, nhiều hộ nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Gia đình chị Nùng Thị Phương (bản Cang Mường, huyện Than Uyên, Lai Châu) là một điển hình rõ nét. Nhờ nguồn vốn chính sách, chị Phương mạnh dạn tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả làm chuồng trại chăn nuôi và trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê, mỗi năm có lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, đến nay, trên địa bàn tỉnh, đang thực hiện cho vay 25 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 4.521 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với khi mới thành lập.
20 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hơn 185 ngàn hộ nghèo ở Quảng Ngãi vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng giai đoạn.
Minh chứng cho thành tựu này ở Quảng Ngãi là gương sáng của gia đình ông Võ Văn Út (thôn Tây An vĩnh, huyện Lý Sơn). Năm 2006, gia đình ông Út thuộc diện hộ nghèo, có 3 con đang học phổ thông, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào 3 sào đất trồng hành, tỏi, kinh tế khó khăn. Thông qua giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã, ông được vay 20 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay, ông đầu tư mua máy bơm, hệ thống tưới tiêu và cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, đời sống được cải thiện, từng bước thoát nghèo.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh luôn bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố; lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, xét chọn hộ vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng...
Để đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay hướng đến nhiều hơn các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-tin-dung-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo-255523.html