Chính sách ưu đãi thuế cho các loại hình báo chí cần kịp thời, hiệu quả

Theo Bộ Tài chính, dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi có chính sách ưu đãi TNDN đối với các hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Nhiều cơ quan báo chí mong muốn chính sách này sẽ được sớm thông qua giúp giảm 'áp lực' về thuế trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, gặp nhiều khó khăn.

Trình Quốc hội chính sách ưu đãi thuế cho các loại hình báo chí tại kỳ họp thứ 8

Thời gian vừa qua, nhất là sau đại dịch COVID-19, sự giảm tốc của kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước; trong đó, sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cùng với sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia, báo chí chịu tác động vô cùng lớn khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 13/6/2023 nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề mà các ý kiến tại cuộc làm việc đã nêu về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.

 Báo chí gặp nhiều khó khăn do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, cần các chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Khả Hòa

Báo chí gặp nhiều khó khăn do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, cần các chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Khả Hòa

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 24/11/2023, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét 5 nhóm vấn đề, trong đó có: Nhóm ý kiến về chính sách thuế; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Có thể nói, chính sách ưu đãi về thuế đối với các loại hình báo chí giúp các cơ quan báo chí giảm áp lực trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này cũng được đông đảo các cơ quan báo chí quan tâm, mong muốn Chính phủ sớm có các biện pháp tháo gỡ.

Trong công văn Bộ TT&TT gửi Bộ Tài chính cho biết, hiện nay các cơ quan báo in đã được Nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.

Vì vậy, Bộ TT&TT đề xuất Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.

Thông tin đến Báo Nhà báo và Công luận về nội dung trên, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 7 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 quy định áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% đối với “Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí;…”.

 Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, báo chí cần cơ chế để đầu tư cho sản xuất. Ảnh: Sơn Hải

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, báo chí cần cơ chế để đầu tư cho sản xuất. Ảnh: Sơn Hải

Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể Luật thuế TNDN để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Sau quá trình nghiên cứu, rà soát, Bộ Tài chính cho biết, ngày 5/3/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 82/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Trong đó, có nội dung về bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các hoạt động báo chí khác (ngoài báo in).

“Vào ngày 22/4/2024, Tổng thư ký Quốc hội khóa XV đã có Thông báo số 3525/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Dự kiến dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)” - Bộ Tài chính thông tin.

Như vậy, chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) đã được bổ sung và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Nhiều cơ quan báo chí mong mỏi chính sách này sẽ được trình Quốc hội và thông qua sớm hơn để giúp giảm áp lực về thuế trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Nghị định số 60 sớm ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn “tức thì” cho cơ quan báo chí

Một nội dung khác đang được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm là tiến độ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (Nghị định 60) về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước đó, trong văn bản của Bộ TT&TT gửi Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn cho báo chí, Bộ TT&TT cho biết, Nghị định 60 có các quy định chưa thống nhất hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

 Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 diễn ra phiên thảo luận "đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí". Ảnh: Quang Hùng

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 diễn ra phiên thảo luận "đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí". Ảnh: Quang Hùng

Khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với 159 cơ quan báo in và điện tử trong 2 năm đại dịch COVID-19 cho thấy: Tổng doanh thu khối báo giảm tới 30,6% từ 2.855 tỷ đồng trong năm 2020, xuống còn 1.952 tỷ đồng trong năm 2021, Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.Nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4 - 5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng 1,2 cơ quan báo chí.

Cụ thể, Điểm a Khoản 2, Điều 5 quy định đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Tuy nhiên, Điểm b Khoản 2, Điều 9 đã quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 2 (tự chủ kinh phí chi thường xuyên) cung cấp dịch vụ công thông qua đấu giá với giá chưa tính đủ chi phí khấu hao. Theo Bộ TT&TT quy định này khó áp dụng trong thực tế khi lập dự toán về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 9 quy định đơn vị sự nghiệp Nhóm 3 (tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên) được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí. Thế nhưng, vẫn chưa quy định khoản chi phí nào chưa được tính vào giá để có căn cứ thực hiện, nhất là chưa khả thi khi thực hiện theo phương thức đấu thầu.

Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công. Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông (không phân biệt đơn vị có mức độ tự chủ khác nhau) để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, đề nghị làm rõ đơn vị Nhóm 4 (có nguồn thu sự nghiệp dưới 10%) có được đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công hay không để thống nhất thực hiện.

Bộ TT&TT cũng đề nghị bổ sung quy định phân loại rõ nguồn tài chính đơn vị được tự chủ. Nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ tài chính đang quy định tại các Điều 11, 15 và 19 của Nghị định 60. Tuy nhiên chưa phân loại phù hợp theo tính chất về nguồn tài chính của đơn vị, chưa quy định nguồn tài chính được tự chủ trong việc khai thác và sử dụng, nguồn tài chính không tự chủ của đơn vị.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đề nghị điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương. Các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan báo chí có nguồn kinh phí cải cách tiền lương nhưng chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, trong khi nguồn thu hoạt động sự nghiệp, quảng cáo, trao đổi bản quyền... giảm sút.

Đề nghị bổ sung vào Nghị định 60 hoặc văn bản hướng dẫn về nguyên tắc phân bổ, hạch toán chi phí cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí có nhiều hoạt động sử dụng ngân sách Nhà nước, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thống nhất áp dụng; bổ sung hướng dẫn chi tiết việc xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện trong hoạt động liên doanh, liên kết để các đơn vị sự nghiệp thực hiện (trong đó có cơ quan báo chí).

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là vô cùng cần thiết, đáp ứng mong mỏi của các cơ quan báo chí.

 Năm 2020, Diễn đàn Tổng Biên tập: “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu” được Báo Nhà báo & Công luận tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực trong đó có đề nghị giảm thuế cho báo chí. Ảnh: Quang Hùng

Năm 2020, Diễn đàn Tổng Biên tập: “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu” được Báo Nhà báo & Công luận tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực trong đó có đề nghị giảm thuế cho báo chí. Ảnh: Quang Hùng

Về tiến độ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tại báo cáo thẩm định số 329/BCTĐ-BTP ngày 20/11/2023 đối với dự thảo Nghị định (Bộ Tài chính nhận ngày 13/12/2023); Bộ Tài chính đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định và có Tờ trình số 17/Ttr-BTC ngày 26/1/2024 trình Chính phủ ban hành Nghị định.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Trong đó có các khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60.

Bộ Tài chính đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí.

Mới đây, thông tin đến Báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tài chính cho biết, sau quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định 60 đã báo cáo Chính phủ về việc ban hành.

Cụ thể, về tiến độ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tại báo cáo thẩm định số 329/BCTĐ-BTP ngày 20/11/2023 đối với dự thảo Nghị định (Bộ Tài chính nhận ngày 13/12/2023); Bộ Tài chính đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định và có Tờ trình số 17/Ttr-BTC ngày 26/1/2024 trình Chính phủ ban hành Nghị định.

Cũng theo Bộ Tài chính cho biết, đối với các kiến nghị của một số báo về nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60 (tổng hợp thông qua văn bản số 5899/BTTTTKHTC ngày 24/11/2023 của Bộ TT&TT), Bộ Tài chính đã có công văn số 444/BTC-HCSN ngày 11/1/2024 gửi Bộ TT&TT, trong đó đã giải trình, làm rõ một số nội dung kiến nghị của một số báo và tiếp thu một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định tại Tờ trình số 17/Ttr-BTC nêu trên.

Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ và Bộ TT&TT cùng các Bộ ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông. Và để báo chí ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội thì việc hoàn thiện các quy chế về cơ chế tài chính, có các chính sách ưu đãi kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

Các Tòa soạn mong mỏi Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành trong đó có Bộ TT&TT, Bộ Tài chính quan tâm, nghiên cứu các chính sách nhằm tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước ngày một phát triển phồn thịnh.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-sach-uu-dai-thue-cho-cac-loai-hinh-bao-chi-can-kip-thoi-hieu-qua-post299575.html