Chính sách về di sản văn hóa cần phải có trọng tâm, trọng điểm

Chiều 18.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Di sản văn hóa sửa đổi là cần thiết nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được thông qua. Trong đó, đối với Chính sách 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật; Quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Đối với chính sách 2: đã quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan; Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa…

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với Chính sách 3: Đã quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể di sản văn hóa trong việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân, cộng đồng sở hữu…; Quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; Quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

Đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách còn dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng, được quy định tại một số điều, khoản trong dự thảo Luật.

Do đó, Ủy ban đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. Tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/chinh-sach-ve-di-san-van-hoa-can-phai-co-trong-tam-trong-diem-i376067/