Chính sách về điện giật cục, khiến điện gió, điện mặt trời lao đao

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng chính sách điều hành về điện có sự thay đổi, giật cục thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp làm điện gió, mặt trời lao đao, gây lãng phí.

Chiều ngày 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung trong đó có vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu về chủ đề này, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đã nhắc tới tình trạng lãng phí nguồn năng lượng tái tạo và các khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: QH)

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: QH)

“Xin lưu ý đây là định hướng ở tầm chiến lược và cho một giai đoạn phát triển từ 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2045” - ông nhấn mạnh và cho hay trước khi có Nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, theo ông gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp…

“Các quy định này không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55, mà còn thắt chặt hơn, chưa thật sự hợp lý" - ĐB Hiển nói.

Bên cạnh đó, khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời đã không phản ánh đúng mối tương quan trong việc tính toán phương án bán điện hàng năm.

Trong Quyết định 02 năm 2023 của Thủ tướng, mức giá bán điện lẻ bình quân tối thiểu là 220,3 đồng/kwh, mức giá tối đa 537,6 đồng/kwh ….Trong khi đó, giá trần cao nhất cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp lại thấp từ 21-29% so với cơ chế giá cố định quy định tại Quyết định 13 và 39.

Theo ông Hiển những năm gần đây, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này, gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt là gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-sach-ve-dien-giat-cuc-khien-dien-gio-dien-mat-troi-lao-dao-post735924.html