Chính sách về hưu trước tuổi cho người thuộc diện tinh giản biên chế
Bạn Nguyễn Hải Hà (Hưng Yên) hỏi: Người thuộc diện tinh giản biên chế, nếu đủ 20 năm đóng BHXH nhưng thiếu 3 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thì có được nghỉ hưu sớm không? Ngoài ra có được hưởng chế độ gì khác không?
Trả lời:
Ngày 10/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP quy định: Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH, còn được hưởng các chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;
c) Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.
Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP quy định: Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và chế độ quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này và được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.
Thủ tục đề nghị hỗ trợ người lao động nghỉ việc do Covid-19
Để được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị sử dụng lao động cần làm những thủ tục gì? TRẦN VĂN HOÀI (Thanh Hóa)
Trả lời:
Về quy trình, thủ tục hưởng chính sách này, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã hướng dẫn như sau:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận người lao động đang tham gia BHXH. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định này đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
3. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.
4. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.