Chính sách vượt trội, công bằng, nhân văn
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang trong giai đoạn gấp rút với tinh thần khẩn trương 'Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng' được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách bảo đảm công bằng, nhân văn đối với những đối tượng do sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như chính sách vượt trội để giữ chân, thu hút người tài.
Tinh gọn bộ máy là yêu cầu rất cấp thiết trong tình hình đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, bắt tay thực hiện tinh gọn là một thách thức không nhỏ. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là “vấn đề khó, thậm chí là rất khó”. Bởi khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, công tác này cần phải được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản.
Cần nhấn mạnh rằng, sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy không phải là việc sắp xếp cơ học, mà việc sắp xếp phải gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ. Để tạo sự hưởng ứng, đồng thuận cao, rất cần có chính sách, chế độ bảo đảm quyền lợi của đối tượng do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương đúng đắn này, Bộ Nội vụ vừa có Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, việc xây dựng chính sách, chế độ mới phải trên cơ sở kế thừa các chính sách, chế độ hiện hành nhưng phải tốt hơn để bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi nghỉ việc và cơ cấu lại chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Cùng với đó, bảo đảm công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, không làm phát sinh bất hợp lý mới.
Một trong các nguyên tắc khi thực hiện, đó là chính sách, chế độ được áp dụng đối với tất cả đối tượng chịu sự tác động của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị, không bỏ sót đối tượng liên quan. Tập trung ưu tiên để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền và ưu tiên khuyến khích đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Thực tế có ý kiến lo ngại rằng, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy có thể có tiêu cực, phát sinh “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, và có nguy cơ xảy ra tình trạng tinh giảm “nhầm” người. Để bảo đảm tính khách quan trong quá trình thực hiện, phải xác định rõ nguyên tắc, việc xây dựng và thực hiện chính sách được gắn với trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sắp xếp, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
So với quy định hiện hành, các chính sách, chế độ tại dự thảo nghị định lần này được đánh giá mức trợ cấp cao hơn, nhằm động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc. Dự thảo nghị định quy định cụ thể chính sách, chế độ đối với người nghỉ hưu trước tuổi tùy thuộc thời gian đóng bảo hiểm; chế độ, chính sách đối với cán bộ được kéo dài thời gian công tác; chính sách, chế độ nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức, bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tiếp tục làm việc nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý…
Việc tạo cơ chế, chính sách bảo đảm công bằng, hợp tình hợp lý cho đối tượng chịu sự ảnh hưởng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy là rất cần thiết. Tuy nhiên, để bộ máy sau sắp xếp hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn rất cần chính sách, chế độ đủ hấp dẫn để giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ và gắn với thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công. Theo đó, dự thảo quy định chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội…
Với quy định mức trợ cấp cao hơn cho đối tượng chịu sự tác động của sắp xếp bộ máy của dự thảo nghị định so với quy định hiện hành sẽ góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc, tìm việc làm phù hợp hơn. Điều này bảo đảm tính công bằng, khách quan, nhân văn, qua đó tạo sự đồng thuận của các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.