Chính sách xã hội Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm và toàn diện hơn

Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt và đã có những thành tựu nhất định. Trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn.

Ảnh minh họa: nhandan.vn.

Ảnh minh họa: nhandan.vn.

Chiều 28/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có buổi làm việc và nghe chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trình bày về vấn đề và chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Trung ương ban hành chuyên đề về tổng kết 10 năm chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2022, ban hành chính sách về chiến lược chính sách an sinh xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhìn tổng quát, an sinh xã hội của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt và đã có những thành tựu nhất định. Ông mong muốn, trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia của ILO chia sẻ, cung cấp thông tin và đưa ra những khuyến nghị một cách thẳng thắn và thực tế.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt ra 6 vấn đề và mong muốn các chuyên gia của ILO chia sẻ, làm sáng tỏ. Đó là các vấn đề như: rút bảo hiểm một lần; người lao động phi chính thức cũng như chính sách khuyến khích như thế nào để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, còn có giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội; nguồn lực để chi cho an sinh xã hội; dự báo về mức độ bao phủ của an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị trong tổng thể chính sách xã hội, đến năm 2025, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết những vấn đề nào.

Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO, nhận định, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần không phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, có một vài quốc gia đã và đang gặp vấn đề tương tự. Như là Malaysia, trong vòng 6-7 năm, quốc gia này chưa thể thay đổi được hiện trạng này. Một số nước châu Âu cũng có một phần trong các chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng dưới dạng một lần. Singapore cũng gặp vấn đề về rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đang từng bước điều chỉnh chính sách theo hướng nâng dần điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết vấn đề này và đã có nhiều chuyển biến.

Phân tích của ILO cho thấy, đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần hầu hết là phụ nữ sinh con lần đầu. Họ rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian nghỉ sinh.

Ông Nuno Cunha khuyến nghị, nên từng bước thay đổi điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, triển khai chế độ về trợ cấp trẻ em trong hệ thống bảo hiểm xã hội cho những phụ nữ sinh con lần đầu trang trải chi phí nuôi con. Qua đó, việc này vừa giải quyết vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa giải quyết được vấn đề phát triển thể chất của trẻ em Việt Nam.

Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Ingrid Christensen cho biết, sau nhiều chương trình mà ILO triển khai tại Thái Lan và Pakistan, bà khẳng định, hiện nay, nếu có thực hiện các cuộc khảo sát tại hai quốc gia này về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, bà tin chắc đại đa số người dân sẽ lựa chọn nhận tiền lương hưu hằng tháng.

Về vấn đề chính thức hóa việc làm, ông Nuno Cunha cho biết, các nước châu Mỹ Latinh có kinh nghiệm và đã vạch ra lộ trình để chính thức hóa việc làm. Như tại Colombia, Chính phủ có những kế hoạch hành động mà mỗi bộ ngành đều phải thực hiện để cùng có thể góp phần vào việc chính thức hóa người lao động, chính thức hóa việc làm để tăng nguồn thu đóng thuế, tăng nguồn thu vào bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thanh toán tiền lương qua tài khoản, khuyến khích người lao động sử dụng điện thoại, mở tài khoản để nhận lương. Như ở Pakitstan, trong thời gian ILO triển khai dự án khuyến khích thanh toán lương qua tài khoản, đã có hơn 300 nghìn người lao động mở tài khoản để nhận lương.

Đối với vấn đề tuân thủ pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, ông Nuno Cunha chia sẻ kinh nghiệm của Bồ Đào Nha. Đó là có một website công bố tất cả tên của các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội để mọi người có thể truy cập tìm thông tin. Như vậy, những doanh nghiệp này sẽ gặp phải vấn đề về tuyển dụng lao động. Thấy thực trang chậm đóng bảo hiểm xã hội như vậy, người lao động sẽ không vào làm tại các doanh nghiệp đó nữa.

Bên cạnh đó, về vấn đề thanh tra, kiểm tra, kinh nghiệm của Malaysia là ứng dụng quản lý qua phần mềm, cơ sở dữ liệu để biết được doanh nghiệp nào có xác xuất cao là không tuân thủ. Qua đó, không thanh tra tràn lan, mà thanh tra có mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra.

Về tăng cường nguồn lực cho an sinh xã hội, ông Nuno Cunha chia sẻ, các nước Đông Nam Á những năm gần đây đã tăng về tỷ lệ GDP mà các quốc gia có thể chuyển thành nguồn thu ngân sách. Theo đó, trong vòng 15 năm qua, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, tỷ lệ này có xu hướng tăng với mức trung bình là 0,2% từ việc chính thức hóa việc làm khi nền kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Theo khảo sát từ một số nước Đông Nam Á khác, để tăng nguồn lực cho an sinh xã hội, Chính phủ có thể khuyến khích chính quyền địa phương đầu tư nhiều hơn vào trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi tùy vào tình hình của từng địa phương. Bên cạnh đó, các chuyên gia của ILO khuyến nghị, cần tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để có thể tăng mức chi chung cho an sinh xã hội. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội cũng là một giải pháp không thể thiếu.

Về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Nuno Cunha khuyến nghị, Việt Nam cần tăng mức chi cho an sinh xã hội từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 8% GDP. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.

Ông Nuno đề nghị, mở rộng an sinh xã hội nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, nâng cao tỷ lệ bao phủ, mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức chi trả cho hưu trí xã hội để tránh việc gần 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Ngoài ra, cần tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động/hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Với những khuyến nghị trên, ông Nuno Cunha dự báo, đến năm 2045, hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam sẽ là hệ thống hỗn hợp bao gồm cả đóng góp và không đóng góp. Trong đó, hệ thống đóng góp bao phủ toàn bộ người lao động ở mức độ chính thức hóa cao và là một hệ thống được thiết kế thích ứng với các cú sốc (môi trường, y tế, kinh tế). Và quan trọng hơn cả, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam sẽ giúp cho xã hội “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/chinh-sach-xa-hoi-viet-nam-se-phat-trien-mot-cach-bao-trum-va-toan-dien-hon-703063/