Chính thức hạ giải thánh đường Bùi Chu 135 tuổi sau nhiều lần trì hoãn
Ngày 4/2, thông tin từ Tòa Giám mục Bùi Chu cho biết, sau thời gian lắng nghe ý kiến từ dư luận, đến nay Giám mục, cùng các chức sắc, giáo dân Tòa Giám mục Bùi Chu đã chính thức quyết định hạ giải để xây mới thánh đường Bùi Chu.
Ngày 4/2, trao đổi với PV Tiền Phong, linh mục Vinh Sơn Đỗ Huy Hoàng- Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Bùi Chu, Giáo phận Bùi Chu cho biết, việc hạ giải và xây mới thánh đường Bùi Chu đã được các cấp chính quyền ủng hộ và cấp giấy phép từ lâu. Tuy nhiên có thời điểm, một số cá nhân, tổ chức, các chuyên gia có ý kiến nên Tòa Giám mục trân trọng nên mới lùi việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu lại.
Theo linh mục Vinh Sơn Đỗ Huy Hoàng, nhà thờ Bùi Chu dù tồn tại 135 năm, có ý kiến cho rằng, công trình có mang ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, kiến trúc, nhưng chưa được cơ quan tổ chức Nhà nước chứng nhận, xếp hạng là di sản hay di tích quốc gia…nên chính quyền đồng ý việc hạ giải.
Bên cạnh đó, ghi nhận của PV Tiền Phong nhận thấy, nhiều giáo dân cho rằng, cần hạ giải để xây mới nhà thờ Bùi Chu khang trang, an toàn nhằm đáp ứng nơi thờ phượng, cử hành thánh lễ của hàng nghìn giáo dân khi tụ họp về đây…
Trước đó, liên quan đến sự việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ với PV Tiền Phong: Truyền thông và mạng xã hội bàn luận về nhà thờ Bùi Chu nhưng ít đề cập tới yếu tố quan trọng hàng đầu là an toàn của giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng. Việc bảo tồn kiến trúc nhà thờ phải được đặt cạnh tính tiếp nối và liên tục của việc thực hành tín ngưỡng tại địa điểm giáo dân coi là linh thiêng.
Theo đó, muốn bảo tồn nhà thờ Bùi Chu, trước tiên phải đảm bảo an toàn cho giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng. Bảo tồn di sản phải bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Đừng nên tuyệt đối hóa bằng mọi giá chỉ bảo tồn di sản vật thể của công trình, ông Michael Croft nói.
Chính vì thế, ngày 7/5/2019, ông Michael Croft gửi đề nghị tìm hiểu cụ thể nhà thờ và được đại diện Giáo phận Bùi Chu chấp thuận. Ngày 10/5, ngoài đại diện UNESCO, đoàn có một kiến trúc sư, một chuyên gia di sản, một chuyên gia kỹ thuật 3D, đã tìm hiểu thực trạng công trình, lịch sử xây dựng, những lần trùng tu và thảo luận với đại diện Giáo phận Bùi Chu.
Ông Michael Croft nói, không cần người có chuyên môn về kiến trúc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này. Điển hình như, nền móng nhà thờ đã sụt lún, tường phía trước bị nứt toác thành hai mảng, cấu trúc gỗ và mái mục nát. Hơn nữa, nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1884, trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam còn lạc hậu nên khó có thể đặt mục đích công trình sẽ trường tồn mãi theo thời gian.
Bằng chứng là Bùi Chu không được xây bằng đá cổ như các nhà thờ châu Âu mà chỉ bằng những vật liệu được tận dụng tối đa ở địa phương. Các cấu kiện gỗ cũng không phải là tốt nhất. Sau chuyến làm việc, chúng tôi hiểu rằng, việc hạ giải nhà thờ đã được chức sắc Giáo phận và Giáo dân Bùi Chu cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị từ lâu. Những tính toán này luôn có sự góp ý của nhà chức trách tỉnh Nam Định; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chọn cách tối ưu.
Các kiến trúc nhà thờ Bùi Chu, cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng, bởi còn có nhiều hình thức khác để lưu giữ lịch sử, ký ức gắn với nhà thờ như giữ nền móng nhà thờ hoặc chi tiết đặc trưng nào đó, quét 3D, số hóa... Ngoài ra, nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hóa quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, đã qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Hiện nhiều chỗ bên trong nhà thờ đã xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước.
Nhiều giáo dân địa phương cho biết, mỗi khi đến nhà thờ cầu nguyện, hành lễ, họ thường lo lắng bởi vật liệu có thể rơi xuống, gây nguy hiểm cho mọi người. Là giáo xứ có diện tích nhỏ (khoảng 1.350 km²) nhưng giáo xứ Bùi Chu có tới hơn 412.000 giáo dân.