Chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan

Ngày 22/10 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 chính thức khai mạc tại thành phố Kazan. (Ảnh: TASS)

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 chính thức khai mạc tại thành phố Kazan. (Ảnh: TASS)

Sự kiện năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế với hơn 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 22 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres.

Hội nghị năm nay đánh dấu lần đầu tiên BRICS áp dụng định dạng mở rộng với sự tham gia của 9 quốc gia. Ngoài các thành viên truyền thống là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhóm còn chào đón sự gia nhập của Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Chủ đề của hội nghị - “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng” - nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác đa phương trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động lớn do xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

BRICS đang tìm kiếm cách tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị công bằng, với đặc trưng của sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại, khi các nước lớn như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ muốn tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.

Từ khi thành lập năm 2006, BRICS đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những tập hợp kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 4/2024, các thành viên BRICS hiện đang chiếm hơn 35% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga lần lượt đứng đầu bảng về GDP theo sức mua tương đương (PPP), với Trung Quốc dẫn đầu ở mức 35.000 tỷ USD, Ấn Độ đứng thứ ba với 14.600 tỷ USD, và Nga ở vị trí thứ tư với 6.450 tỷ USD.

BRICS cũng sở hữu một thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người và dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm tới 50% quy mô kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, bốn quốc gia thành viên của BRICS nằm trong Top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về tài nguyên khoáng sản, với Nga dẫn đầu sở hữu trữ lượng khoáng sản trị giá 75.000 tỷ USD.

Hội nghị thượng đỉnh lần này còn đặt ra nhiều kỳ vọng về việc tạo ra một cơ chế hợp tác toàn diện giữa các quốc gia trong khối, đồng thời thúc đẩy vai trò của các nước đối tác mới.

Ngày cuối cùng của hội nghị (24/10) sẽ xem xét các đề xuất thiết lập mô hình hợp tác giữa các nước đối tác BRICS, nhằm mở rộng ảnh hưởng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho các quốc gia thành viên.

Sự kiện tại Kazan cũng mở ra cơ hội để BRICS củng cố vị thế trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực như tài chính, kinh tế và an ninh toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sẽ đặt những “viên gạch vàng” cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới trong tương lai.

BRICS được hiểu theo nghĩa tiếng Anh là “những viên gạch”, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, nơi mà các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có tiếng nói và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.

Với chủ trương tăng cường hợp tác đa phương, hội nghị lần này là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng trên toàn cầu.

Tuấn Khang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chinh-thuc-khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-lan-thu-16-tai-kazan-398865.html